Rối loạn giấc ngủ có nhiều hình thức khác nhau như mất ngủ, khó ngủ, ngủ rũ, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy... Tùy hình thức mà có các dấu hiệu cũng như cách điều trị, can thiệp khác nhau.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM - cho biết, rối loạn giấc ngủ còn có các hình thức mà nhiều người không ngờ tới, thậm chí người bệnh không nghĩ đó là rối loạn giấc ngủ.
Gặp ác mộng về đêm: Đa số trường hợp gặp ác mộng khi ngủ là do quá căng thẳng, áp lực vào ban ngày hoặc đang gặp sang chấn tâm lý. Khi gặp ác mộng, giấc ngủ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, giấc ngủ không sâu kéo theo bị thức giấc nửa chừng. Theo bác sĩ Minh Đức, người bệnh nên đi khám tâm thần kinh để được chỉ định điều trị phù hợp. Tại nhà, trước khi ngủ, bạn có thể áp dụng các liệu pháp thư giãn, nghỉ ngơi để có thể đi vào giấc ngủ thoải mái hơn.
Hội chứng chân không yên: Hội chứng chân không yên hay còn gọi là hội chứng chân bồn chồn hoặc bệnh Willis-Ekbom (RLS/WED), là một bệnh lý thần kinh. Căn bệnh này khiến đôi chân của người bệnh luôn trong trạng thái muốn vận động mà không kiểm soát được.
Hội chứng này có liên quan đến rối loạn giấc ngủ và cách điều trị kết hợp nhiều giải pháp như dùng thuốc theo chỉ định, cắt giảm lượng caffeine, tắm nước ấm hoặc thư giãn... trước khi ngủ. Chườm nóng hoặc chườm lạnh trên chân của bạn có thể giúp giảm đau và khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Trong trường hợp thiếu sắt, người bệnh nên bổ sung sắt để cảm thấy dễ chịu hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học (Circadian): Nhịp điệu sinh học hay còn gọi là "nhịp điệu Circadian", gắn liền với đồng hồ sinh học trong 24 giờ mỗi ngày của mỗi người. Nhịp điệu Circadian giúp kiểm soát lịch trình ngủ và thức hàng ngày của con người. Tình trạng rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc, tỉnh giấc giữa đêm, thức dậy quá sớm nhưng không thể ngủ trở lại.
Bác sĩ Minh Đức, khi lựa chọn cách điều trị rối loạn giấc ngủ cho người bị rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định sử dụng melatonin theo thời gian thích hợp. Nhóm người này cần điều chỉnh giờ đi ngủ và thời gian dậy, có thể ngủ muộn hơn một chút để tránh thức dậy vào giữa đêm.
Bệnh mất ngủ giả (Parasomnias): Bệnh mất ngủ giả có thể dẫn đến những hành vi bất thường trong lúc ngủ như đi lại hay nói chuyện, khiến những người xung quanh hiểu lầm rằng người bệnh đang thức, trong trạng thái tỉnh táo. Tuy nhiên, trong thực tế, người bệnh không có nhận thức về những việc mình đang làm, sau khi thức dậy cũng ít có khả năng nhớ lại những hành động đã thực hiện.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ giả có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong khi ngủ, kể cả khi đang chuyển tiếp từ trạng thái thức sang ngủ hoặc ngược lại. Chữa bệnh rối loạn giấc ngủ cho người bị mất ngủ giả cần sử dụng thuốc điều trị và áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi, trị liệu tâm lý để giải tỏa căng thẳng. Bác sĩ hướng dẫn người bệnh tạo môi trường ngủ phù hợp, nhờ người nhà thực hiện đánh thức người bệnh theo lịch trình nhất định.
Kim Dung