Người trưởng thành trung bình cần 7-8 giờ để ngủ mỗi đêm. Rối loạn giấc ngủ là tình trạng chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ không đảm bảo. Các vấn đề về rối loạn giấc ngủ có thể khiến bạn suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất, mệt mỏi, buồn bã, dễ cáu kỉnh, khó tập trung, hay quên... Người bị rối loạn giấc ngủ cũng dễ có nguy cơ bị trầm cảm hoặc lo lắng, gặp tai nạn trong sinh hoạt hay lao động.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có nhiều dạng rối loạn giấc ngủ khác nhau như mất ngủ, khó ngủ, không thể ngủ sâu giấc, bị thức giấc nhiều lần trong đêm, bị ngưng thở khi ngủ, ngủ rũ... Trong đó, chứng mất ngủ là phổ biến nhất.
Lựa chọn cách điều trị phụ thuộc loại vào loại rối loạn giấc ngủ, triệu chứng đang gặp phải, nguyên nhân và chỉ định của bác sĩ. Theo đó, bác sĩ Minh Đức gợi ý một số cách xử trí khi gặp các rối loạn giấc ngủ thường gặp như sau.
Ngưng thở khi ngủ: Người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ sẽ gặp hiện tượng ngừng thở vài lần trong một đêm. Một trong những cách điều trị đầu tiên là người bệnh cần giảm cân. Bởi cân nặng càng lớn thì tình trạng ngưng thở khi ngủ sẽ càng diễn biến nghiêm trọng hơn.
Người bệnh cũng nên tránh uống rượu và thuốc ngủ. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc để người bệnh sử dụng máy thở không xâm lấn CPAP, đeo dụng cụ bảo vệ hàm, kéo hàm dưới về phía trước, giữ cho đường thở được mở trong khi ngủ. Các trường hợp nặng có thể được chỉ định phẫu thuật.
Mất ngủ: Một trong những giải pháp đầu tiên được bác sĩ khuyên người bị mất ngủ áp dụng là thay đổi thói quen ngủ. Ví dụ, người thường mất ngủ nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày; không ngủ trưa; không làm việc hoặc thực hiện những hành động gây căng thẳng, kích thích thần kinh trước khi đi ngủ tối thiểu 30 phút... Thư giãn trước khi đi ngủ, hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ nhàng, thiền, giữ phòng ngủ yên tĩnh và mát mẻ, không sử dụng caffeine và không uống rượu trước khi ngủ.
Tập thể dục thường xuyên và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, không ăn quá no, không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi lên giường cũng là những lưu ý quan trọng. Nếu người bệnh mất ngủ kéo dài, ví dụ từ vài tuần đến một tháng nên đi khám bác sĩ để được điều trị phù hợp.
Ngáy: Ngủ ngáy cũng là một dạng rối loạn giấc ngủ. Theo bác sĩ Minh Đức, bạn có thể thử nằm nghiêng khi ngủ, giảm cân (với người thừa cân, béo phì), điều trị các bệnh lý gây tắc nghẽn mũi nếu có, không uống rượu hoặc hút thuốc, tránh dùng thuốc ngủ và các loại thuốc an thần khác...
Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng các miếng dán chống ngáy thông mũi (giúp giữ cho lỗ mũi mở ra để không khí vào nhiều hơn) hoặc dùng dụng cụ bảo vệ hàm để kéo hàm và lưỡi về phía trước, giữ cho cổ họng luôn mở.
Khó ngủ khi mang thai: Ngủ không ngon giấc, khó ngủ khi mang thai là một dạng rối loạn giấc ngủ mà chị em phải đối mặt trong 9 tháng thai kỳ. Cách xử trí là mẹ bầu nên ngủ ở tư thế nằm nghiêng, đặc biệt là nằm nghiêng trái. Tư thế này giúp tăng lượng máu và chất dinh dưỡng đến em bé, hỗ trợ ngủ ngon hơn.
Thai phụ cũng nên ngủ trưa, uống sữa ấm hoặc thư giãn trong bồn nước ấm trước khi đi ngủ. Chị em có thể tập thể dục vào buổi sáng, tuy nhiên, chỉ nên tập những động tác đơn giản, nhẹ nhàng. Thai phụ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc ngủ hoặc bất kỳ thảo dược nào nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Chứng ngủ rũ: Những người mắc chứng ngủ rũ dễ ngủ thiếp đi ngay cả khi họ không muốn, không cảm thấy buồn ngủ. Bạn nên chủ động tạo thói quen ngủ trưa theo lịch trình nhằm hạn chế được tình trạng bỗng dưng buồn ngủ khi đang làm việc hay xảy ra các sự kiện quan trọng.
Nếu bạn đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc giúp bạn tỉnh táo hơn, điều trị tình trạng mất kiểm soát cơ đột ngột khi thức dậy.
Kim Dung