Gout là dạng viêm khớp phổ biến xảy ra do nồng độ axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến hình thành và lắng đọng các tinh thể urat ở khớp, gây đau. Axit uric là sản phẩm phụ của quá trình phân hủy purine, chất tự nhiên có trong thực phẩm như nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản, đồ uống có cồn.
Bệnh gout tiến triển qua 4 giai đoạn. Nếu điều trị thích hợp, người bệnh có thể kiểm soát nồng độ axit uric và không tiến triển đến giai đoạn cuối.
Giai đoạn một: Không triệu chứng
Ở giai đoạn đầu, axit uric bắt đầu tích tụ trong máu và có thể cả trong khớp nhưng chưa gây ra triệu chứng. Nồng độ axit uric vượt quá 6 miligam mỗi deciliter (mg/dL) ở nữ và 7 mg/dL ở nam được xác định là tình trạng tăng axit uric máu.
Giai đoạn hai: Gout cấp tính
Giai đoạn cấp tính còn gọi là cơn bùng phát gout, axit uric rời khỏi máu, dẫn đến hình thành tinh thể ở một hoặc nhiều khớp. Các triệu chứng của gout lúc này là do phản ứng miễn dịch với các tinh thể.
Bệnh gout thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp tại một thời điểm, trong đó ngón chân cái là khớp phổ biến nhất. Các đợt bùng phát ban đầu thường kết thúc trong vòng 3-14 ngày, ngay cả khi không điều trị. Tuy nhiên, các đợt bùng phát sau có thể kéo dài hơn với các triệu chứng như đau dữ dội khởi phát đột ngột, khớp sưng tấy, nóng, đỏ hoặc đổi màu.
Giai đoạn ba: Bùng phát từng đợt
Các triệu chứng biến mất cho đến khi một đợt bùng phát khác xảy ra vài tuần đến nhiều năm sau đó. Nồng độ axit uric trong máu và khớp vẫn cao nên bác sĩ có thể kê đơn thuốc để ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.
Giai đoạn 4: Hạt tophi mạn tính
Nếu kiểm soát nồng độ axit uric không hiệu quả, gout có thể tiến triển đến giai đoạn cuối. Người bệnh gout thường phải mất 10 năm hoặc hơn mới bước vào giai đoạn này.
Các tinh thể lớn gọi là hạt tophi có thể phát triển ở dạng nốt sưng dưới da, dẫn đến tổn thương khớp, biến dạng khớp và nhiễm trùng. Người bệnh cũng có thể gặp các vấn đề sức khỏe khác như sỏi thận. Tophi còn có thể phát triển trong giác mạc hoặc van tim.
Gout thường không thể phòng ngừa hoàn toàn vì liên quan yếu tố di truyền. Tuy nhiên, người bệnh có thể ngăn ngừa giai đoạn cấp tính bằng cách tránh các tác nhân kích hoạt phổ biến như căng thẳng, phẫu thuật, chấn thương, mất nước, dinh dưỡng kém, tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng purine cao. Thay đổi lối sống để tránh mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa, giúp cải thiện chức năng thận cũng làm giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng gout.
Gout hiện không có cách chữa khỏi nhưng điều trị thích hợp có thể ngăn ngừa các biến chứng lâu dài, tránh bệnh tiến triển đến giai đoạn mạn tính. Các phương pháp điều trị gout bao gồm dùng thuốc chống viêm không steroid và các loại thuốc khác, thực hiện chế độ ăn uống ít purine, thay đổi hoặc ngừng thuốc liên quan đến tăng axit uric máu.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |