Giấc ngủ và sức khỏe có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong lúc ngủ, cơ thể vẫn làm việc, tự điều chỉnh hormone, phục hồi các cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch. Giấc ngủ không đạt chất lượng có thể là dấu hiệu báo động nguy cơ sức khỏe.
Ngáy liên tục khi ngủ
Ngáy là âm thanh phát ra trong khi ngủ bởi sự rung động của các mô mềm ở đường hô hấp trên, bao gồm mũi và cổ họng. Trường hợp ngáy ngủ với âm thanh nhỏ, đều, không ảnh hưởng đến người bên cạnh, khi ngủ dậy có cảm giác thoải mái thì không đáng lo ngại. Ngược lại, âm thanh ngáy to, kèm rối loạn giấc ngủ, thở dốc, nghẹn cổ không thở được, khi dậy tinh thần và toàn thân mệt mỏi, nhiều khả năng bạn mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Theo Học viện Y học về giấc ngủ Mỹ, nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn làm tăng nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường type 2 hoặc trầm cảm, thậm chí tử vong sớm.
Mất hơn 45 phút để vào giấc ngủ
Theo Tổ chức giấc ngủ Quốc gia (Mỹ), một người khỏe mạnh bình thường mất 10-20 phút để chìm vào giấc ngủ. Nếu trằn trọc không ngủ được, mất hơn 45 phút để đi vào giấc ngủ có thể là dấu hiệu cơ thể căng thẳng quá mức.
Khó ngủ khiến cơ thể thêm mệt mỏi, căng thẳng. Căng thẳng là yếu tố làm tăng sinh gốc tự do, gây tổn thương thành mạch, thiếu máu lên não và khiến mất ngủ tăng nặng. Tình trạng này kéo dài tạo nên vòng xoắn bệnh lý, khiến cơ thể mệt mỏi, khó tập trung, giảm trí nhớ, tăng nguy cơ trầm cảm...
Thức dậy nhiều lần trong đêm và khó ngủ lại
Một chu kỳ giấc ngủ thường kéo dài 90-120 phút, mỗi người sẽ trải qua 5-6 chu kỳ mỗi đêm. Giữa các chu kỳ giấc ngủ, bạn có thể tỉnh giấc trong vô thức rồi nhanh chóng ngủ lại, điều này là bình thường.
Tuy nhiên, nhiều người đang ngủ lại đột nhiên tỉnh giấc, sau đó trằn trọc mãi không ngủ lại được. Việc thức giấc giữa đêm và khó ngủ trở lại có thể đến từ nhiều nguyên nhân như tư thế ngủ không phù hợp, uống quá nhiều nước trước khi ngủ dẫn đến buồn tiểu, nhiệt độ phòng quá lạnh hoặc quá nóng, nhiều tiếng ồn xung quanh, sử dụng rượu bia trước khi ngủ... Những tác nhân này có thể dễ dàng cải thiện bằng cách điều chỉnh thói quen, vệ sinh giấc ngủ.
Trường hợp đã điều chỉnh các yếu tố trên nhưng tình trạng thức giấc giữa đêm vẫn không cải thiện có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như rối loạn ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, thay đổi nội tiết tố, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, căng thẳng...
Sáng dậy mệt mỏi, cảm giác như chưa được ngủ
Dù đã ngủ cả đêm nhưng sáng dậy vẫn mệt mỏi, uể oải, cảm giác như chưa được ngủ... có thể là hệ lụy khi đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống. PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu (Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, stress kéo dài khiến cơ thể ngủ không sâu giấc, dẫn đến tình trạng "vật vờ" sau khi thức dậy. Ngủ đủ giấc vẫn cảm thấy mệt mỏi cũng có thể liên quan đến bệnh tuyến giáp, người bệnh nên thăm khám để được chẩn đoán chính xác.
Để có giấc ngủ ngon, sâu giấc, liền mạch, sáng dậy tỉnh táo, người bệnh cần chú ý xây dựng thói quen tích cực; tránh xem tivi, điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ, ăn quá no hoặc uống nước chứa chất kích thích (rượu bia, cà phê, trà...) vào ban đêm. Xây dựng nhịp sinh học của giấc ngủ điều độ bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ.
Trước khi ngủ, bạn có thể thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng, giúp tăng cường máu lên não như ngồi thiền, yoga, cúi gập người, vươn vai, gác chân lên tường, giãn gân kheo... Ăn uống khoa học và lành mạnh, tăng cường nhóm thực phẩm giàu axit béo omega-3, magie, tryptophan, canxi, vitamin B, C, D...(có nhiều trong cá hồi, trứng, tôm, sữa, ngũ cốc, quả bơ, bông cải xanh, rau bina, cam, cà chua...) có lợi cho não bộ và đem lại nhiều lợi ích.
Theo Phó giáo sư Liệu, căng thẳng làm sản sinh nhiều gốc tự do, gây thiếu máu lên não là nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Người bệnh nên bổ sung thêm các dưỡng chất thiên nhiên để chống gốc tự do, hoạt huyết não như anthocyanin, pterostilbene trong blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả). Nhờ trọng lượng phân tử nhỏ, các tinh chất này có khả năng vượt qua hàng rào máu não, góp phần trung hòa gốc tự do, tăng cường lưu thông máu và dưỡng chất lên não, hỗ trợ phục hồi kết nối và chức năng dẫn truyền thần kinh. Nhờ đó, bạn có thể giảm căng thẳng, bớt đau đầu, giúp giấc ngon và sâu giấc hơn.
Trinh Ngô