Nhìn mờ, khó nhìn vào ban đêm hay ở nơi thiếu ánh sáng, còn gọi là quáng gà. Tình trạng này xảy ra ở một số người bệnh về mắt như cận thị, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, viêm võng mạc sắc tố, hội chứng Usher...
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết quáng gà ở người tiểu đường xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao. Tăng đường huyết làm tổn thương các mạch máu lớn và nhỏ, trong đó có mạch máu nuôi mắt, ảnh hưởng đến chức năng mắt, giảm thị lực. Người bệnh có thể gặp vấn đề về mắt gồm bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm do tiểu đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp. Hầu hết các bệnh này gây ra triệu chứng khó nhìn vào ban đêm.
Bệnh võng mạc tiểu đường: Võng mạc là lớp màng trong cùng, phía sau mắt. Võng mạc cảm nhận ánh sáng và tiếp nhận tín hiệu truyền về não để giải mã. Các mạch máu bị tổn thương có thể gây hại cho võng mạc, gây ra bệnh võng mạc tiểu đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Phù hoàng điểm do tiểu đường: Hoàng điểm hay điểm vàng là bộ phận nằm sâu ở vùng trung tâm võng mạc. Đường huyết cao dẫn đến sưng hoàng điểm. Theo thời gian, bệnh làm mất thị lực một phần hoặc mù lòa.

Đường huyết cao có thể khiến người bệnh tiểu đường nhìn mờ. Ảnh: Freepik
Bệnh tăng nhãn áp: Đây là một nhóm bệnh về mắt, xảy ra khi dây thần kinh thị giác, bó dây thần kinh nối giữa mắt và não bị tổn thương. Bệnh tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, nguy cơ mất thị lực và mù lòa nếu không được điều trị sớm.
Đục thủy tinh thể: Thủy tinh thể có vai trò như thấu kính giúp chúng ta nhìn sắc nét hơn. Thủy tinh thể có xu hướng đục khi về già. Người bị tiểu đường có nhiều khả năng bị đục thủy tinh thể sớm hơn độ tuổi do đường huyết cao khiến cặn tích tụ trong thủy tinh thể nhiều hơn.
Người bệnh tiểu đường có tiền sử huyết áp cao, cholesterol trong máu cao, hút thuốc dễ mắc các bệnh về mắt hơn.
Nếu tăng đường huyết trong thời gian ngắn, người bệnh ít khi bị giảm thị lực. Người bệnh có thể bị mờ mắt trong vài ngày hoặc vài tuần do đường huyết cao làm thay đổi lượng chất lỏng trong mắt, gây sưng tấy các mô trong mắt. Thị lực thường được cải thiện khi đường huyết được kiểm soát ổn định. Tổn thương về mắt cũng có thể xuất hiện ở thời kỳ tiền tiểu đường.
Bác sĩ Vũ Tùng khuyến cáo người bệnh tiểu đường có dấu hiệu bất thường ở mắt cần khám ngay để phát hiện bệnh và điều trị sớm, tránh mất thị lực vĩnh viễn. Chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, khám mắt định kỳ 1-2 lần mỗi năm giúp phòng bệnh.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |