Trả lời:
Do nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng nên nếu có polyp thì người bệnh cần loại bỏ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, phẫu thuật này cần được thực hiện ở các cơ sở y tế có chuyên khoa chuyên sâu về tiêu hóa cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Đến nay, nguyên nhân chính xác gây polyp đại tràng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, sự phân chia và phát triển tế bào nhiều hơn bình thường được xem là nguyên nhân chính. Polyp là kết quả của những thay đổi di truyền trong tế bào niêm mạc đại tràng ảnh hưởng đến chu kỳ sống của tế bào bình thường.
Yếu tố này có liên quan tới một số vấn đề như tuổi tác (độ tuổi từ 40-50 trở lên); tiền sử gia đình (trong gia đình có người bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng hoặc càng nhiều người trong gia đình mắc bệnh thì nguy cơ càng cao); hút thuốc và uống rượu quá mức; mắc một số rối loạn di truyền (hội chứng Gardner, hội chứng Lynch, Polyposis vị thành niên...). Người béo phì, lười vận động và tiêu thụ nhiều chất béo; chủng tộc (người Mỹ gốc Phi) cũng có nguy cơ cao hơn.
Phần lớn người bị polyp đại tràng không có triệu chứng rõ rệt cho tới khi thăm khám bác sĩ. Biểu hiện của polyp đại tràng cũng khiến nhiều người nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa khác như trĩ, rách hậu môn, có liên quan tới thực phẩm, thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng... Do đó, để giảm nguy cơ bỏ qua bệnh, mọi người nên đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt nếu bị chảy máu trực tràng, phân có màu bất thường (phân chuyển màu đen hoặc xuất hiện các tơ máu), thay đổi thói quen đi tiêu (táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài bất thường và không có dấu hiệu thuyên giảm), đau bụng (đau quặn), thiếu máu (gây cảm giác mệt mỏi, khó thở).
Sau khi phát hiện có polyp đại tràng thông qua các biện pháp chẩn đoán, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong số các biện pháp để cắt polyp đại tràng. Các biện pháp như cắt polyp trong khi nội soi (trong lúc nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ sử dụng kẹp hoặc thòng lọng (snare) để cắt polyp), phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (khi polyp đại tràng quá lớn hay không thể loại bỏ an toàn trong lúc nội soi), cắt bỏ đại tràng (người bệnh có tình trạng di truyền như polyposis tuyến gia đình thì có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng).
Sau khi được cắt bỏ, các loại polyp đại tràng sẽ được gửi đi làm xét nghiệm mô bệnh học, phân tích mẫu mô đánh giá mức độ nghịch sản của polyp và bờ cắt có còn tế bào u hay không.
Khi đã có polyp đại tràng, nguy cơ sau này người bệnh cũng gặp thêm polyp. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được tư vấn thực hiện thêm các xét nghiệm sàng lọc sau khi cắt polyp đại tràng. Thời điểm và tần suất làm xét nghiệm dựa trên số lượng, kích thước và kết quả phân tích kết hợp thêm các yếu tố nguy cơ khác.
Khi có một hoặc hai u tuyến nhỏ, người bệnh cần xét nghiệm sau 5-10 năm; có ba hoặc bốn u tuyến (xét nghiệm sau 3-5 năm); có 5-10 u tuyến, kích thước u tuyến lớn hơn 10 mm hoặc một số loại u tuyến nhất định (xét nghiệm trong 3 năm); có hơn 10 polyp u tuyến hoặc một khối u kích thước lớn hay u tuyến cần phải cắt bỏ từng phần (xét nghiệm lại trong vòng 6 tháng đến một năm).
TS.BS Phạm Hữu Tùng
Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM