Tê bì tay chân là tình trạng phổ biến, có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Ban đầu, các dấu hiệu thường rất nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy tê các đầu ngón tay, châm chích, dị cảm, kiến bò, chuột rút, nhức mỏi...
Theo thời gian, mức độ tê đau tăng lên, các ngón tay bị tê nhức nhiều hơn, lan xuống dọc cánh tay, cẳng tay gây khó cử động và cầm nắm. Các ngón chân, bàn chân, cổ chân, cẳng chân, đùi, mông, vùng thắt lưng... cũng có thể xuất hiện tình trạng tương tự.
ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tê bì tay chân, trong đó phổ biến là do các bệnh lý sau:
Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm có cấu trúc sụn, là một khoang nằm giữa các đốt sống.Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống lưng và cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu. Chúng chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống, dẫn đến đau nhức, rối loạn cảm giác tại chỗ như tê bì tay chân.
Hẹp ống sống: Đây là tình trạng không gian bên trong ống sống bị thu hẹp, gây áp lực lên các rễ thần kinh, tủy sống khi đi qua cột sống. Hẹp ống sống có triệu chứng đa dạng và khác nhau tùy từng người, ví dụ như đau từ vùng cổ lan xuống vai, cánh tay, đau vùng lưng lan xuống mông đùi cẳng chân, tê bì tay chân, yếu cơ ở tay hay chân khi tình trạng hẹp nặng...
Thoái hóa cột sống: Bệnh này khiến sụn khớp, đốt sống bị bào mòn và phức hợp gai thoái hóa có thể chèn ép rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì vùng cổ lan xuống hai tay hoặc đau từ thắt lưng xuống hai chân.
Hội chứng ống cổ tay: Ống cổ tay là một đường hầm chạy qua giữa cổ tay. Giữa đường hầm này có dây thần kinh giữa đảm nhiệm chức năng cung cấp cảm giác cho các ngón tay gồm ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón đeo nhẫn. Thần kinh giữa bị chèn ép có thể gây ra triệu chứng tê bì, châm chích ở bàn tay và các ngón tay, nặng hơn là mất cảm giác, yếu cơ vùng bàn tay.
Thoái hóa khớp và viêm đa khớp dạng thấp: Hai bệnh lý này gây ra tình trạng tổn thương sụn khớp, viêm khớp tiến triển ở các khớp bàn tay, cổ tay, khớp gối, cổ chân, bàn chân. Người bệnh cũng có thể bị tê bì tay chân và hạn chế vận động.
Tai biến mạch máu não: Tê bì tay chân có thể là dấu hiệu của đột quỵ nếu kết hợp với các triệu chứng như yếu hoặc tê đột ngột ở cánh tay hoặc chân. Đặc biệt nếu triệu chứng chỉ ở một bên của cơ thể, nói khó hoặc nói ngọng, nhìn lệch, đột nhiên chóng mặt hoặc mất thăng bằng, đau đầu dữ dội đột ngột...
Đa xơ cứng: Với bệnh nhân bị đa xơ cứng, hệ thống miễn dịch tấn công lớp phủ bảo vệ xung quanh các sợi thần kinh. Các triệu chứng phụ thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Tê bì và ngứa ran là một trong những triệu chứng đa xơ cứng phổ biến nhất.
Viêm đa rễ thần kinh: Xảy ra khi hệ thần kinh ngoại biên bị tổn thương làm rối loạn cảm giác, dẫn đến tê tay chân. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong do suy hô hấp, sặc phổi.
Xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não. Dấu hiệu tê tay chân do các mảng xơ vữa bám lên thành mạch gây xơ cứng, hẹp lòng mạch, chèn ép dây thần kinh.
Đái tháo đường: Nồng độ đường trong máu cao trong một thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Bệnh này gây tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê và dị cảm cánh tay, bàn tay và bàn chân.
Rối loạn tuyến giáp: Tuyến giáp sản xuất hormone giúp điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Rối loạn tuyến giáp không được điều trị có thể làm tổn thương các dây thần kinh cảm giác đến cánh tay và chân gây tê, yếu tay chân.
Hội chứng Raynaud: Hội chứng này xảy ra khi các mạch máu bị viêm dẫn đến hẹp mạch máu, khiến lượng máu đến bàn tay và bàn chân bị hạn chế. Thiếu máu nuôi khiến các ngón tay, ngón chân bị tê, lạnh, xanh xao và rất đau. Triệu chứng thường nặng hơn khi tay chân bị lạnh hay căng thẳng.
Thiếu vitamin hoặc khoáng chất cũng có thể gây tê bì tay chân. Vitamin B12 cần thiết cho hoạt động khỏe mạnh của các dây thần kinh. Thiếu vitamin B12 gây cảm giác tê hoặc ngứa ran ở tay và chân. Triệu chứng kèm theo có thể là mệt mỏi, khó giữ thăng bằng, khó nhìn thẳng, phát sinh ảo giác...
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, tê bì tay chân có thể xảy ra do sinh hoạt sai tư thế như nằm nghiêng người, gối đầu quá cao, bê vác vật nặng, ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế, lười vận động... Các tai nạn té ngã, va chạm cũng có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên, gây tê bì tay chân. Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài có thể kích thích các tế bào thần kinh gần bề mặt da, gây ra hiện tượng ngứa và tê bì.
Bác sĩ Thư cho biết nhiều người có xu hướng xem nhẹ, thậm chí bỏ qua điều trị tê tay chân. Theo thời gian, tình trạng này có thể khiến người bệnh khó chịu kéo dài, mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến chức năng vận động, khó đi lại, cầm nắm, đại tiểu tiện không tự chủ, teo cơ, liệt chi... Nếu triệu chứng xuất hiện liên tục và kéo dài hơn 6 tuần, người bệnh cần đến bệnh viện khám. Trường hợp tê tay chân chỉ xuất hiện dưới 5 tuần có thể do tác nhân cơ học, cần theo dõi thêm.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |