Dạng viêm khớp phổ biến nhất
Thoái hóa khớp là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp bị mài mòn, khiến xương cọ xát với nhau mạnh hơn dẫn đến đau, sưng, cứng khớp, giảm khả năng di chuyển, đôi khi hình thành các gai xương. Có hơn 100 loại viêm khớp, nhưng thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Không giống như các dạng viêm khớp, thoái hóa khớp không phải là bệnh tự miễn mà liên quan đến quá trình lão hóa của cơ thể. Trước đây, bệnh thường xảy ra ở người già nhưng hiện có xu hướng trẻ hóa do lối sống thiếu khoa học, ít vận động, ăn uống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia...
Hai loại thoái hóa khớp
Có hai loại thoái hóa khớp chính được xác định bởi nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Loại nguyên phát, đôi khi được gọi là thoái hóa khớp vô căn, xảy ra không có nguyên nhân cơ bản hoặc có khuynh hướng di truyền.
Loại thứ phát xảy ra do bệnh lý, chấn thương ở khớp như chấn thương khi chơi thể thao hoặc sử dụng khớp quá mức. Các tình trạng bệnh lý có thể dẫn đến thoái hóa khớp thứ phát bao gồm viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, gout, rối loạn khớp di truyền (hội chứng Ehlers-Danlos)...
Các khớp dễ bị ảnh hưởng nhất
Thoái hóa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, thường gặp nhất là đầu gối, hông, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, lưng và cổ. Trong đó, thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Tại Mỹ, ước tính ít nhất 19% người trên 45 tuổi bị thoái hóa khớp gối. Mỗi năm, các bác sĩ nước này thực hiện khoảng một triệu ca phẫu thuật thay khớp liên quan đến thoái hóa khớp chỉ riêng ở đầu gối và hông.
Nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam
Cả nam và nữ giới đều có thể bị thoái hóa khớp nhưng tỷ lệ ở nữ cao hơn. Theo Liên minh Hành động về Thoái hóa khớp Mỹ (OAA), khoảng 60% số người bệnh là nữ. Họ cũng có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn 40% so với nam giới.
Trước 45 tuổi, tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới. Tuy nhiên, sau 45 tuổi, bệnh phổ biến hơn ở nữ giới. Sau 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 10% ở nam và 13% ở nữ. Sự khác biệt này có thể là do dao động nội tiết tố nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh; cách di chuyển khác nhau dẫn đến căng khớp nhiều hơn hoặc cấu tạo hệ cơ xương khớp ở nữ giới ít sụn đầu gối hơn nam giới.
Di truyền
Thoái khớp có liên quan đến yếu tố di truyền. Theo các nghiên cứu, 90 vị trí trên bộ gene người có liên quan đến sự phát triển của thoái hóa khớp. Sắc tộc cũng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, người Mỹ da màu nhiều khả năng bị thoái khớp gối có triệu chứng, trong khi người gốc Á ít bị thoái hóa khớp hông hơn.
Nguyên nhân chính gây tàn tật
Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hạn chế vận động, thậm chí tàn tật ở người lớn tuổi. Theo Tạp chí Thoái hóa sụn khớp thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Viêm xương khớp Quốc tế, khoảng 80% người bệnh bị hạn chế phạm vi chuyển động, 25% không thể thực hiện các sinh hoạt hàng ngày, 30% khó cúi người hoặc quỳ gối, 20% khó đi bộ xa hoặc mang vác các vật lớn.
Nguy cơ tử vong
Thoái hóa khớp làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh thận, tim mạch, tiểu đường. Nguyên nhân có thể là do bệnh gây đau, cứng khớp, dẫn đến ít vận động, góp phần gây tăng cân. Thừa cân có liên quan đến bệnh tim và tiểu đường. Không có bằng chứng nào cho thấy tình trạng này trực tiếp ảnh hưởng đến tuổi thọ. Tuy nhiên, người bệnh có nguy cơ cao té ngã, dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng.
Bệnh có thể phòng ngừa
Thoái hóa khớp không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể dự phòng và làm chậm tiến triển bệnh. Các biện pháp phòng bệnh như kiểm soát cân nặng, tránh chấn thương khớp, thường xuyên vận động, kiểm soát đường huyết, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, quản lý căng thẳng.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)