Đầu năm 2022, chị Mai Ngọc Linh (46 tuổi) được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chẩn đoán u tuyến yên (một bộ phận của não), khiến tình trạng cường giáp (hormone tuyến giáp được sản xuất quá mức) tái phát liên tục. Hiện tại, chị uống thuốc để ổn định hormone tuyến giáp, chờ phẫu thuật loại bỏ khối u trong thời gian sớm nhất. Nếu phẫu thuật thất bại, người bệnh cần dùng thêm phương pháp xạ phẫu. Sau đó, bác sĩ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như đánh giá hoạt động của tuyến yên.
Trước đó, dù đi nhiều bệnh viện nhưng chị không tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. "Vợ chồng tôi ngấp nghé tuổi 50, phát hiện bệnh, chúng tôi có thêm hy vọng để tiếp tục cuộc hành trình tìm con để cưng nựng, ẵm bồng", chị Linh nói.
Tái phát cường giáp vì u tuyến yên
Chị Linh kể lại, năm 2002, chị thường hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp, ngất xỉu. Bác sĩ ở một bệnh viện chẩn đoán cường giáp nên phẫu thuật cắt tuyến giáp thùy trái. Song, bệnh tái phát trở lại. Sau khi cắt tuyến giáp, các tình trạng này vẫn không thuyên giảm.
Chị lập gia đình hơn 10 năm, khát khao có con nhưng vẫn chưa thành hiện thực. "Năm 35 tuổi, tôi tìm đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản, dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành. Có lần chuyển phôi thành công, em bé đã tạc hình hài trong bụng mẹ nhưng không có cơ hội chào đời", chị trải lòng.
Chị vẫn khao khát tìm con, song hành trình này còn dang dở vì Covid-19 bùng phát. Đầu năm 2022, khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí, chị được bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine, hỏi tiền sử bệnh.
Qua thăm khám, Thạc sĩ - bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, chỉ định xét nghiệm, kiểm tra đánh giá chức năng tuyến giáp. Kết quả ghi nhận tình trạng rối loạn hormone giáp không điển hình. Nghi ngờ đây là bệnh tuyến giáp thứ phát do gặp vấn đề vùng tuyến yên, bác sĩ tiếp tục chỉ định chụp MRI (cộng hưởng từ) để tầm soát.
"Chị Linh bị u tuyến yên khiến tình trạng cường giáp tái phát liên tục. Nguyên nhân cường giáp của chị không được chẩn đoán, dẫn đến điều trị kéo dài không hiệu quả. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, khiến chị tìm con trong vô vọng", bác sĩ Trâm cho biết.
U tuyến yên ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết sản xuất các hormone điều chỉnh, duy trì hoạt động sản xuất năng lượng, trao đổi chất, sử dụng oxy... của các cơ quan khác. Với phụ nữ, hormone tuyến giáp đóng một phần quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình rụng trứng, hỗ trợ sự phát triển não bộ của thai nhi và ngăn ngừa sẩy thai. Nếu tuyến giáp không hoạt động bình thường, phụ nữ có thể bị vô sinh. Cường giáp có thể do nguyên nhân tại tuyến giáp như basedow, nhân giáp hóa độc, viêm giáp...
Bác sĩ Trâm giải thích, u tuyến yên gây ra cường giáp vì tuyến yên có chức năng điều hòa các tuyến nội tiết trong cơ thể như tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục... Bất kỳ sự bất thường nào của tuyến yên đều có thể ảnh hưởng đến các tuyến trên. Trong trường hợp của chị Linh, u tuyến yên chỉ gây ra rối loạn chức năng tuyến giáp (cụ thể là cường giáp).
Cường giáp do u tuyến yên hiếm gặp. Theo thống kê toàn quốc của Thụy Điển năm 2013, đăng trên Tạp chí Nội tiết Lâm sàng và Chuyển hóa, tình trạng này chỉ có gần 3 ca trên một triệu dân.
Có ba phương pháp điều trị u tuyến yên gồm điều trị nội khoa (dùng thuốc), phẫu thuật và xạ phẫu (phá hủy các vùng mô được chọn chính xác bằng bức xạ ion hóa chứ không phải cắt bỏ bằng lưỡi dao). Tùy theo tình trạng người bệnh, kích thước khối u mà bác sĩ chỉ định phù hợp, đôi khi phải phối hợp cả ba phương pháp.
Bác sĩ Trâm lưu ý, ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường như sụt cân, mắt mờ, thường xuyên hồi hộp, vã mồ hôi, loạn nhịp tim,... người bệnh nên khám với bác sĩ để tìm nguyên nhân và có chỉ định điều trị phù hợp.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Nguyễn Trăm