Cường giáp là bệnh lý xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Nếu không được điều trị, bệnh cường giáp có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch, mất xương, gãy xương... Tuy không có khả năng chữa khỏi bệnh nhưng một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh sẽ giúp kiểm soát hoạt động của tuyến giáp và giảm nhẹ triệu chứng của cường giáp. Trong khi một số loại thực phẩm có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân cường giáp, một số khác sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân cường giáp nên hạn chế các loại thực phẩm sau:
Thực phẩm giàu i-ốt
I-ốt tăng cường hoạt động của tuyến giáp nên có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng cường giáp. Theo các chuyên gia, người bệnh nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều i-ốt như cá, hải sản, rong biển, sữa và các sản phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng gà... Người bệnh cường giáp cũng nên lựa chọn các loại muối chứa ít hoặc không chứa i-ốt.
Caffeine
Caffeine trong cà phê, trà, thực phẩm hoặc nước giải khát có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng liên quan đến cường giáp như tim đập nhanh, lo lắng, căng thẳng. Người bệnh cường giáp có thể thay thế đồ uống chứa caffeine bằng nước lọc, nước ép trái cây hoặc trà thảo mộc.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Cường giáp có thể dẫn đến tình trạng không dung nạp lactose, khiến người bệnh không tiêu hóa được sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Nếu bị đầy bụng, khó tiêu hoặc mệt mỏi sau khi tiêu thụ các loại thực phẩm này, bệnh nhân nên ngừng sử dụng. Các loại sữa nguyên kem cũng không tốt cho người bị cường giáp. Sữa tách béo hoặc sữa hữu cơ là những lựa chọn thay thế, vừa tốt cho sức khỏe vừa dễ tiêu hóa.
Gluten
Gluten có thể gây viêm và làm tổn thương tuyến giáp ở một số bệnh nhân cường giáp. Ngay cả khi không bị dị ứng hoặc vẫn dung nạp được gluten thì việc hạn chế các thực phẩm chứa dưỡng chất này cũng giúp ích cho bệnh nhân cường giáp. Một số thực phẩm chứa gluten là lúa mì, lúa mạch, men bia, mạch nha...
Đậu nành
Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ, đậu nành có thể ảnh hưởng đến một số phương pháp điều trị cường giáp. Vì vậy, người bị cường giáp nên hạn chế các loại thực phẩm làm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hũ...
Thịt đỏ
Các loại thịt đỏ chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa có thể ức chế hoạt động của cholesterol có lợi. Người bị cường giáp khi tiêu thụ nhiều thịt đỏ có khả năng cao mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường. Thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ gây viêm nếu tiêu thụ với số lượng lớn trong thời gian dài. Bệnh nhân cường giáp nên thay thế thịt đỏ bằng các loại thực phẩm khác chứa nhiều protein nạc như cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu) và các loại đậu.
Dầu thực vật hydro hóa
Dầu thực vật hydro hóa có trong nhiều sản phẩm chế biến sẵn. Đây là nguồn cung cấp chất béo chuyển hóa, làm giảm mức cholesterol có lợi và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh cường giáp. Bệnh nhân cường giáp cần tránh các loại thực phẩm như bánh quy, bánh rán, bơ thực vật...
Thực phẩm nhiều đường
Bệnh nhân cường giáp thường có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Khi ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường, bệnh nhân có xu hướng khó kiểm soát mức đường huyết trong cơ thể. Tiêu thụ thực phẩm nhiều đường cũng làm tăng mức độ lo lắng của bệnh nhân cường giáp. Người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như nước ngọt, bánh kẹo...
Rượu bia
Rượu bia có thể gây gián đoạn mức năng lượng và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn giấc ngủ liên quan đến bệnh cường giáp. Tiêu thụ nhiều rượu bia cũng làm tăng nguy cơ loãng xương ở những bệnh nhân này. Theo các chuyên gia y tế, người bị cường giáp nên hạn chế rượu bia, cocktail và các loại đồ uống có cồn khác.
Bên cạnh việc hạn chế các loại thực phẩm trên, bệnh nhân cường giáp có thể bổ sung thêm thực phẩm ít i-ốt, rau họ cải, thực phẩm chứa selen, sắt, canxi, vitamin D, chất béo lành mạnh, thảo mộc, gia vị... vào chế độ ăn uống của mình.
Phương Quỳnh
(Theo Healthline, True Life Wellness and Physiotherapy)