Đây là lần thứ ba Khang cần truyền máu khẩn, sau khi ngất hai lần vào năm 2019, 2022. Mẹ Khang cho biết năm 5 tuổi, da Khang xanh xao, bác sĩ chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt, phải bổ sung viên sắt mỗi ngày. 10 năm qua Khang có nhiều đợt xanh xao rõ dù chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Khang đi khám tại nhiều bệnh viện, bác sĩ đã loại trừ bệnh lý máu ác tính, chưa tìm được nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt do bé ăn uống tốt, cân nặng và chiều cao bình thường.
Ngày 15/3, BS.CKI Trần Thị Thu Thảo, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lượng máu trong cơ thể phụ thuộc vào chiều cao và cân nặng. Nam giới nặng khoảng 70 kg có khoảng 5-6 lít máu trong cơ thể. Khang cao 1,75 m, nặng 74 kg, nhu cầu máu nuôi cơ thể nhiều, nhưng thiếu máu mạn tính nên cơ thể thích nghi dần với tình trạng này. Bệnh nhi vẫn sinh hoạt bình thường đến khi cơ thể quá tải, ngất xỉu. Khi đó, kiểm tra chỉ số Hgb của cơ thể đã thấp ở mức thiếu máu nặng.
"Với các ca thiếu máu thiếu sắt kháng trị, bù sắt và truyền máu chỉ giải quyết được ngọn mà không giải quyết được gốc", bác sĩ Thảo nói, thêm rằng nếu không tìm được nguyên nhân thiếu máu, người bệnh có thể bị sốc mất máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi truyền máu cấp cứu, Khang được nội soi dạ dày, đại tràng và không tìm ra nguồn gốc chảy máu. Bác sĩ nghi ngờ xuất huyết nội liên quan chảy máu ruột non, cho bệnh nhi thử máu ẩn trong phân, kết quả dương tính. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán nguồn gốc chảy máu từ tiêu hóa, nhất là đoạn ruột non chưa khảo sát được qua nội soi dạ dày và đại tràng.
Chảy máu tại ruột non là thách thức lớn trong chẩn đoán, điều trị do bác sĩ khó tiếp cận qua nội soi. Các phương pháp chẩn đoán khác như MRI, CT, siêu âm đôi khi cho kết quả âm tính. Nhiều nguyên nhân gây chảy máu ruột non như giãn mạch máu, túi thừa Meckel (bất thường bẩm sinh) hoặc các u tân sinh khác.
Ê kíp phẫu thuật nội soi kiểm tra ổ bụng bệnh nhân. BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, khoa Ngoại Nhi, ghi nhận không có các bất thường như túi thừa Meckel, tuy nhiên đoạn cuối của hồi tràng (gần cuối ruột non) có nhiều mạch máu giãn rộng, đang xuất huyết, nghi ngờ bướu máu. Các bác sĩ cắt đoạn ruột chứa bướu máu dài 3,5 cm, đường kính 2 cm, lấy mẫu gửi giải phẫu bệnh, sau đó khâu nối ruột.
Bệnh nhi được truyền bổ sung gần hai lít máu trong 10 ngày nhập viện, sau mổ sức khỏe ổn định và được xuất viện. Kết quả giải phẫu xác định Khang có u mạch máu lành tính (còn gọi u máu) và xét nghiệm máu ẩn trong phân âm tính trong lần tái khám gần nhất.
U máu ở ruột non là bệnh ít gặp, chiếm khoảng 0,05% trong số tất cả khối u đường tiêu hóa, theo bác sĩ Trọng. Khối u có thể đơn độc hoặc mọc từng chùm, mọc ở đường tiêu hóa, xuất hiện nhiều nhất ở đoạn cuối ruột non.
U máu là tổn thương mạch máu lành tính bẩm sinh, có thể gặp ở bất cứ nơi nào của đường tiêu hóa. Chúng thường bắt nguồn từ các đám rối mạch máu dưới niêm mạc, có thể lan vào lớp cơ ruột hoặc xa hơn. Mô học phân thành ba loại là dạng hang, dạng mao mạch và dạng hỗn hợp.
U máu có thể gặp ở độ tuổi 5-25, tỷ lệ nam nữ là 1/2,5. Triệu chứng chính gồm xuất huyết, đau bụng, tắc nghẽn, lồng ruột hoặc thủng ruột. Giai đoạn mới khởi phát, bệnh biểu hiện xuất huyết tiêu hóa mạn tính gây thiếu máu do thiếu sắt không rõ nguyên nhân. Theo bác sĩ Thảo, vì bệnh ít gặp nên khó chẩn đoán hoặc chẩn đoán trễ sau khi đã thực hiện hầu hết phương tiện chẩn đoán tầm soát.
Trẻ có u mạch máu có thể thoái triển (tự biến mất) hoặc phát triển mạnh, gây nhiều biến chứng khó lường. Khi phát hiện u máu, người bệnh nên kịp thời đến bệnh viện kiểm tra.
Tuệ Diễm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |