Ngày 1/12, BS.CKI Lâm Bội Hy, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhi vào viện cấp cứu trong tình trạng mạch nhanh, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt. Ở trẻ cùng độ tuổi, lượng huyết sắc tố (hemoglobin) bình thường là 11-14,5 nhưng ở bé Nguyên chỉ số này giảm còn 4,0 g/dl. Lượng huyết sắc tố có trong một lít máu toàn phần là tiêu chuẩn để xác định tình trạng có thiếu máu hay không. Thể tích khối hồng cầu còn 14% (bình thường là 38-45%).
"Bé có tiền sử thiếu máu thiếu sắt một năm nay, lần này chỉ cần xuất huyết lượng ít cũng khiến tình trạng thiếu máu thêm trầm trọng, do đó bé cần truyền máu cấp cứu gấp", bác sĩ Hy cho biết.
Bệnh nhi được truyền dịch, truyền hồng cầu lắng, song vẫn còn thiếu máu và tiêu phân máu đỏ bầm. Bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày và chụp CT bụng có tiêm thuốc cản quang để khảo sát vị trí xuất huyết tiêu hóa. Kết quả nội soi dạ dày tá tràng ghi nhận không có ổ xuất huyết. Kết quả chụp cắt lớp điện toán ổ bụng nghi ngờ có túi thừa Meckel (dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa) ở đoạn cuối ruột non đang có dấu hiệu viêm và xuất huyết.
Bác sĩ các khoa Nhi, Nội soi tiêu hóa, Chẩn đoán hình ảnh cùng hội chẩn, hồi sức, tìm phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhi. BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trường hợp xuất huyết tiêu hóa nặng trên nền thiếu máu mạn nặng này phẫu thuật khẩn rất nguy hiểm nhưng nếu trì hoãn khi ổ xuất huyết chưa cầm được có thể khiến bệnh nhi sốc mất máu, tử vong.
Ê kíp truyền máu lần hai song song với phẫu thuật cấp cứu nội soi ổ bụng, phát hiện có túi thừa Meckel nằm ở đoạn cuối của ruột non ở gần đại tràng, bị viêm xuất huyết. Các bác sĩ cắt bỏ đoạn ruột chứa túi thừa, khâu nối rồi đưa ruột trở lại, đóng bụng qua đường mổ nhỏ dưới rốn, đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như giúp bệnh nhi ít đau sau mổ, nhanh chóng sinh hoạt lại bình thường.
Ca mổ diễn ra trong 60 phút, lượng máu mất do phẫu thuật chỉ 50 ml. Sau mổ bệnh nhi được truyền thêm một đơn vị máu (250 ml), tổng số máu cần truyền 750 ml.
Một ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định, có thể ăn uống lại được. Bệnh nhi được bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể hồi phục, cải thiện tình trạng thiếu máu, thiếu sắt kéo dài.
Một năm trước, bé Nguyên được chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt, phải bổ sung sắt kéo dài song không cải thiện. Bé từng truyền máu bổ sung vào đầu năm 2023.
Bác sĩ Trọng cho biết bé có túi thừa bẩm sinh nhưng gia đình không biết. Tình trạng thiếu máu, thiếu sắt kéo dài có thể do viêm túi thừa gây xuất huyết rỉ rả. Tiêu máu lẫn trong phân nên gia đình không phát hiện được.
Túi thừa Meckel xuất hiện từ tuần thứ 5-7 thai kỳ. Trong quá trình phát triển của bào thai, ống noãn hoàng nối thai nhi với túi noãn hoàng. Khi ống thoái hóa không đúng cách, thành ruột non sẽ tạo thành túi thừa Meckel.
Theo bác sĩ Trọng, túi thừa Meckel xảy ra ở khoảng 2% dân số, là bất thường bẩm sinh phổ biến nhất của đường tiêu hóa, thường gặp nhất ở trẻ dưới hai tuổi. Bệnh đa phần không gây hại cho sức khỏe, không có triệu chứng nên thường khó được phát hiện hoặc nhầm lẫn với các bệnh viêm loét dạ dày, ruột thừa...
Triệu chứng viêm túi thừa ở trẻ em được báo cáo có biểu hiện tắc ruột chiếm 46,7%, xuất huyết tiêu hóa 25,3% và viêm 19,5%. Một người có túi thừa Meckel có nguy cơ gặp biến chứng từ 4 đến 6% trong đời.
Bác sĩ Trọng khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ có triệu chứng đau bụng, đi ngoài ra máu, mệt, xanh xao cần đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh, điều trị kịp thời.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |