Kết quả siêu âm vùng bụng trái bệnh nhi ghi nhận kích thước khối lồng lớn, đường kính ngang 1,7 cm, dài 4 cm, ít dịch giữa các quai ruột.
Ngày 8/11, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhi bị lồng ruột cấp (một đoạn ruột non chui vào lòng của đoạn ruột kế bên).
Bác sĩ Trọng bơm hơi vào đại tràng làm tăng áp lực đủ để tháo khối lồng. Sau hai lần thực hiện, khối lồng ruột được tháo. Bé hồi phục tốt, hết đau bụng, ăn uống, đi tiểu được và xuất viện sau một ngày điều trị.
Theo bác sĩ Trọng, lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phổ biến nhất là trẻ từ 6 tháng đến ba tuổi. Khoảng 65% trường hợp xảy ra trước một tuổi và 80-90% trước hai tuổi.
Hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ như trẻ chuyển từ bú sữa sang ăn dặm khiến ruột co bóp nhiều hơn và chênh lệch kích thước giữa các đoạn ruột khiến dễ bị lồng. Bé có cấu tạo ruột bất thường, gia đình có tiền sử lồng ruột, thời tiết chuyển mùa vào mùa thu và mùa đông... cũng làm tăng nguy cơ.
Ở giai đoạn đầu, trẻ thường bỏ bú đột ngột, đau bụng, khóc thét, gối co lên ngực do dạ dày co thắt, đổ nhiều mồ hôi, da xanh xao tím tái, nôn ói ra thức ăn, dịch xanh hoặc vàng. Các triệu chứng trên xuất hiện theo từng cơn khoảng 15-20 phút và ngày càng kéo dài, lặp lại nhiều lần.
Ở giai đoạn nặng, bé thường đi ngoài có phân màu nâu lẫn nhầy máu hoặc máu tươi, mệt lả, mất nước, khô môi, mạch đập nhanh, sốt cao, người lạnh, da tái nhợt. Khi chuyển sang giai đoạn muộn, trẻ có biểu hiện nôn ói liên tục, bụng chướng dần lên, thở nhanh, lờ đờ, hôn mê, mất nước nghiêm trọng và nhiễm khuẩn, sốc do nhiễm khuẩn.
Trẻ bị lồng ruột có nguy cơ tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn ở phía trên khối lồng do tắc ruột hoặc bán tắc ruột. Tình trạng này còn gây tắc mạch máu nuôi ruột dẫn đến thiếu máu, nhanh chóng giãn to, viêm nhiễm, phù nề. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm trùng đường ruột, hoại tử ruột, thủng ruột, xuất huyết trong, hội chứng ruột ngắn... khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao.
Theo bác sĩ Trọng, sau khi trẻ bị lồng ruột, nguy cơ hoại tử ruột khoảng 2,5% trong khoảng 48 giờ và lên đến 80% sau 72 giờ. Khoảng 5-10% trẻ gặp tình trạng này không có triệu chứng đau bụng hoặc đau bụng không biểu hiện rõ ràng. Phần lớn trẻ bị lồng ruột ở độ tuổi rất nhỏ chưa thể tự nói chuyện. Phụ huynh khi thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ lồng ruột như khó chịu, nôn ói, thường xuyên co chân lên bụng, chướng bụng... nên đưa đến bệnh viện chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Sau điều trị, trẻ bị lồng ruột vẫn có nguy cơ tái phát với mức độ nguy hiểm hơn. Do đó, bố mẹ cần theo dõi sức khỏe của con, chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về điều trị, chăm sóc tại nhà.
Hoài Thương
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |