Ngày 7/9, BS.CKII Phạm Ngọc Danh Khoa, Khoa Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh đau đầu vùng sau gáy, không có dấu hiệu thần kinh khu trú tức là các dấu hiệu bên ngoài gợi ý tổn thương vùng não, không có tiền sử bệnh, trừ đau đầu.
Kết quả chụp MRI sọ não cho thấy khối xuất huyết não ở thùy thái dương và chẩm phải. Ổ xuất huyết kích thước gần 3 cm, kèm xuất huyết dưới nhện ở vùng này. Hình chụp mạch máu DSA ghi nhận túi phình động mạch não nằm ngay ổ xuất huyết, kích thước phình 4,5 mm.
Bác sĩ hội chẩn, quyết định can thiệp nội mạch để tắc túi phình đã vỡ. BS.CKI Dương Đình Hoàn, Trưởng Đơn vị Can thiệp thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, đánh giá đây là ca khó, túi phình nằm sâu ở nhánh P4 của động mạch não sau bên phải. Ngay cổ túi phình lại có một nhánh động mạch khác. Bệnh nhân còn bị tắc mạn tính động mạch cảnh trong bên phải.
Quá trình can thiệp, ê kíp luồn một ống thông và dây dẫn siêu nhỏ vào động mạch ở bẹn. Dây dẫn mang vật liệu chuyên dụng, di chuyển đến não, tiếp cận túi phình. Bác sĩ chọn lọc để nút tắc đúng túi phình, đảm bảo không ảnh hưởng đến các nhánh mạch máu liên quan.
Sau 45 phút, túi phình được nút tắc hoàn toàn bằng các vòng xoắn kim loại (coil), ngăn chặn máu chảy ra ngoài não. Sau ba ngày điều trị người bệnh bớt đau đầu, xuất viện, cần điều trị nội khoa, tái khám để theo dõi khối máu tụ.
Theo bác sĩ Hoàn, phình động mạch não vỡ nguy hiểm, 80% nguyên nhân xuất huyết dưới nhện tự phát là do vỡ phình động mạch não, trong đó khoảng 10% vị trí phình nằm ở vùng tuần hoàn não sau (hệ đốt sống - thân nền).
Có hai phương pháp điều trị túi phình mạch máu não gồm phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Tùy vào vị trí, hình dạng, kích thước của túi phình và tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ chọn phương pháp phù hợp. Túi phình chưa vỡ thì điều trị thuận lợi hơn. Trường hợp túi phình vỡ, nguy cơ để lại di chứng thần kinh cao, vỡ túi phình cũng có thể tái phát.
Theo bác sĩ Khoa, các triệu chứng của xuất huyết não rất đa dạng. Người đau đầu bất thường, kéo dài, hoặc đột ngột đau đầu dữ dội, đau đầu khi gắng sức, mất ý thức, cứng cổ, lơ mơ, hôn mê... cần được bác sĩ kiểm tra. Nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng để phát hiện sớm bất thường ở não, theo dõi và điều trị.
Dương Đình
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp. |