Trả lời:
Nhiều người khi nhắc đến đột quỵ thường liên tưởng đến chứng phình động mạch. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhất định giữa hai vấn đề.
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu đến não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Khi bị đột quỵ do tắc nghẽn, cục máu đông hình thành bên trong động mạch, giống như một đường ống bị tắc và ngăn không cho máu đến một phần của não. Tình trạng này cũng có thể do mạch máu bị co thắt, tự chít hẹp và đóng lại hoàn toàn hoặc một phần. Trong khi đó, đột quỵ do mạch máu bị vỡ sẽ gây xuất huyết trong não.
Chứng phình động mạch là tình trạng mạch máu não bị phình ra tại một vị trí nào đó. Chỗ phình ra này có thể bị vỡ ra, dẫn đến chảy máu trong não và gây ra đột quỵ.
Cả đột quỵ và chứng phình động mạch đều có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho não và dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, đột quỵ thường xảy ra bất ngờ, còn phình động mạch có thể diễn tiến theo thời gian và được phát hiện thông qua chụp chiếu trước khi bị vỡ. Nhiều trường hợp khám sức khỏe tổng quát, chụp cộng hưởng từ (MRI) tình cờ phát hiện có túi phình ở động mạch não.
Điều trị đột quỵ thường bao gồm thuốc làm tan cục máu đông, thông mạch hoặc phẫu thuật loại bỏ cục máu đông... Trong khi, điều trị chứng phình động mạch có thể bao gồm can thiệp nội mạch bít tắc túi phình, đặt stent, phẫu thuật sửa chữa mạch máu... Can thiệp, điều tiết hoặc bít tắc lại dòng máu sẽ giảm bớt áp lực cho chứng phình động mạch để động mạch ít có khả năng bị vỡ hơn. Hình thức điều trị khẩn cấp dành cho đột quỵ hay phình đồng mạch phụ thuộc vào thể loại, mức độ, vị trí, thời gian của bệnh.
Các dấu hiệu nhận biết của chứng phình động mạch não thường thể hiện khi mạch máu đã bị vỡ, bao gồm: đau đầu (cơn đau thường có mức độ nặng mà trước đây chưa từng có); tê ở một hoặc cả hai chi; yếu ở một hoặc cả hai chi; giảm trí nhớ, thị lực hoặc thính giác; buồn nôn; nôn mửa. Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chứng phình động mạch hoặc đột quỵ.
Đột quỵ và chứng phình động mạch não có một số yếu tố rủi ro chung, như tăng huyết áp không được kiểm soát, hút thuốc lá, yếu tố tiền sử gia đình, bất thường ở các mạch máu...
Trường hợp của bạn, vì bạn không chia sẻ cụ thể tình trạng bị phình động mạch não nặng hay nhẹ, vị trí ở đâu... cho nên chưa thể tư vấn cụ thể biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, chứng phình động mạch có thể được chẩn đoán và điều trị sớm đạt hiệu quả cao. Bạn nên tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ thần kinh, can thiệp mạch... để sớm khắc phục bệnh.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM