Trả lời:
Khi bà của bạn lên cơn co giật vì động kinh, bạn hoặc những người xung quanh nên đặt và giữ nghiêng bà sang một bên giúp dễ thở và để các chất dịch lỏng không chảy vào đường hô hấp gây sặc. Những vật sắc nhọn cần được loại bỏ vì có thể gây sát thương cho bà. Đệm đầu của bà cần nằm cao hơn, sau đó nới lỏng quần áo chật quanh cổ. Hạn chế di chuyển người bệnh trừ khi đang gặp nguy hiểm.
Không nên đưa bất cứ thứ gì vào miệng của bà, kể cả thuốc hoặc chất lỏng. Những thứ này có thể gây nghẹt thở hoặc làm hỏng hàm, lưỡi hoặc răng của người bệnh. Không lắc người bệnh hoặc la hét. Người nhà nên ở bên bà cho đến khi bà hoàn toàn tỉnh táo. Bạn và gia đình cần ghi nhớ cơn co giật bắt đầu khi nào, kéo dài bao lâu và các triệu chứng xảy ra để có thể báo cho bác sĩ hoặc nhân viên cấp cứu khi cần.
Nếu cơn động kinh đầu tiên xảy ra thì người bệnh cần được đưa đi cấp cứu. Bà của bạn đã động kinh từ lâu, trường hợp cần cấp cứu nếu mắc bệnh tiểu đường; cơn động kinh xảy ra trong nước; cơn co giật kéo dài hơn 5 phút; người bệnh không bắt đầu thở bình thường hoặc không tỉnh lại sau khi hết co giật; một cơn co giật khác bắt đầu trước khi người đó tỉnh lại; người bệnh tự làm mình bị thương trong cơn co giật.

Người bệnh cần được cấp cứu khi co giật hơn 5 phút. Ảnh: Freepik
Sau khi cơn co giật kết thúc, người bệnh có thể sẽ chệnh choạng và mệt mỏi, cũng có thể bị đau đầu. Bạn và gia đình cố gắng giúp bà tìm một nơi để nghỉ ngơi. Người bệnh cũng có thể rất mệt, thường ngủ thiếp đi sau khi hết co giật. Để giúp bà phục hồi nhanh, chế độ ăn cần đủ dinh dưỡng và bà nên nghỉ ngơi đủ giấc.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM