Trả lời:
Xơ vữa động mạch là quá trình thoái hóa của động mạch, bắt đầu từ khi còn trẻ, tiến triển theo suốt cuộc đời, gây hẹp dần lòng động mạch.
Động mạch là mạch máu đưa máu từ tim đi khắp cơ thể, được lót bằng một lớp tế bào mỏng gọi là nội mô, cho phép máu chảy dễ dàng qua động mạch. Khi lớp nội mô bị tổn thương do tác nhân như thuốc lá, cholesterol xấu... tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ trên thành động mạch. Theo thời gian, mảng bám cứng lại, thu hẹp lòng động mạch, cản trở máu lưu thông. Các mảng xơ vữa này vỡ ra tạo thành cục máu đông, chặn dòng máu mang oxy đến các cơ quan khác của cơ thể.
Các biến chứng của xơ vữa động mạch phụ thuộc vào động mạch nào của bạn bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách sẽ có nguy cơ dẫn tới biến chứng sớm dưới đây.
Bệnh động mạch vành: Động mạch vành cung cấp máu cho tim, khi bị xơ vữa gây ra bệnh động mạch vành hoặc cơn đau thắt ngực. Nếu lòng mạch bị bít tắc hoàn toàn có thể gây nhồi máu cơ tim.
Bệnh động mạch cảnh: Động mạch cảnh là động mạch nuôi tế bào não. Khi động mạch cảnh hẹp nặng, tế bào não chết, người bệnh bị chóng mặt, yếu liệt tay chân. Đây là biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Trường hợp mạch cảnh tắc, bệnh nhân hôn mê, đột quỵ với triệu chứng liệt tay, chân, nửa người.
Bệnh động mạch ngoại biên: Những động mạch này cung cấp máu cho cánh tay, chân, xương chậu. Nếu chúng bị hẹp hoặc tắc nghẽn dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên, đau cơ do chuột rút khi đi bộ hoặc tập thể dục. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể khiến mô chết, hoại tử. Bệnh động mạch ngoại biên cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Phình tách động mạch: Xơ vữa động mạch có khả năng gây ra chứng phình động mạch (vùng bị suy yếu của thành động mạch bị phình to). Nếu túi phình động mạch vỡ ra sẽ gây chảy máu bên trong cơ thể đe dọa tính mạng.
Bệnh thận mạn tính: Hai quả thận được cung cấp máu thông qua động mạch thận. Khi nguồn cung cấp máu bị hạn chế, bệnh thận mạn tính sẽ phát triển. Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh suy thận là chán ăn, khó tập trung, sưng tay, phù chân.
Xơ vữa mạch máu là quá trình tự nhiên, diễn ra âm thầm. Không thể ngăn được nhưng chỉ có thể làm giảm tốc độ hình thành mảng xơ vữa bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Bạn nên giữ cân nặng lý tưởng (BMI dưới 23), tăng cường thực phẩm tốt cho tim, bỏ thuốc lá, tập thể dục đều đặn, hạn chế căng thẳng, không thức khuya, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, đường huyết, mỡ máu.
Bạn bị xơ vữa động mạch mức độ nhẹ, có thể kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh. Bạn nên đến bác sĩ khám để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Người bị xơ vữa động mạch nặng có thể được điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp nong mạch đặt stent, phẫu thuật cắt bỏ nội mạc, phẫu thuật bắc cầu động mạch nhằm làm chậm tiến triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
ThS.BS Phan Thị Mỹ Hạnh
Khoa Nội Tim mạch
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |