Trả lời:
Gan là một trong những cơ quan có khả năng tái tạo và phục hồi. Gan tổn thương hoặc sau khi cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật, mô gan vẫn có thể phát triển trở lại ở một mức độ nhất định. Các chức năng quan trọng được duy trì khi chức năng còn lại trong gan giảm dưới 25%, nghĩa là khi 3/4 lá gan bị hỏng mới phát ra triệu chứng. Tuy nhiên, với bệnh xơ gan, quá trình tái tạo thường khó hơn và không có cách nào giúp gan hồi phục hoàn toàn khi đã xơ hóa.
Xơ gan là tình trạng tế bào gan bị tổn thương trong thời gian dài, hình thành các mô sẹo. Nhiều mô sẹo làm cản trở lưu thông máu, chậm xử lý chất độc, chất dinh dưỡng.
Dưới sự tấn công liên tục trong thời gian dài của các tác nhân gây hại như virus viêm gan, rượu bia, nhiễm độc do thực phẩm, thuốc, hóa chất..., các tế bào kupffer (là tế bào đầu tiên ở gan tiếp xúc với vi khuẩn và độc tố) bị kích thích quá mức. Cơ thể sản sinh các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin... làm chết các tế bào gan trên diện rộng.
TGF-β kích hoạt tế bào hình sao sản sinh mô sợi, gây tổn thương, hoại tử tế bào gan. Các mô sẹo dần hình thành trên bề mặt gan, chèn ép mạch máu trong gan, khiến cơ quan này chai cứng, cản trở quá trình tái tạo tế bào mới.
Chẩn đoán sớm và điều trị xơ gan đúng có thể làm chậm quá trình tiến triển, hạn chế tổn thương, ngăn ngừa biến chứng.
Nếu không phát hiện kịp thời, xơ gan có thể gây ra biến chứng như xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch, viêm phúc mạc tự phát do vi khuẩn, suy thận, ung thư. Nguy cơ tử vong khoảng 20-50% tùy theo loại biến chứng. Người bệnh cần được chăm sóc và điều trị y tế ngay, thời gian nằm viện kéo dài. Giai đoạn này tập trung điều trị nguyên nhân và dự phòng các biến chứng như dùng thuốc ức chế virus viêm gan B và C; kiêng bia rượu.
Thông tin anh chia sẻ hiện chưa đủ cơ sở để khẳng định có thể điều trị khỏi bệnh xơ gan hay không. Anh nên đi khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để cải thiện tình trạng và phòng biến chứng. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học như ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hạn chế ăn mặn và thịt đỏ tốt cho sức khỏe. Tránh xa các yếu tố gây hại gan như rượu bia, hóa chất.
Rèn luyện thể dục thể thao, tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư gan 6 tháng một lần giúp phát hiện sớm các biến chứng để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |