Ông Nghệ (ngụ Lâm Đồng) nhập viện trong tình trạng mệt, co cứng bắp chân, đau nhiều, khô cổ, khát nước, bí tiểu. Ngày 28/8, BS.CKI Phạm Lê Ngọc Thuận, khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nghi người bệnh hạ canxi máu, cho truyền canxi giúp bớt co rút cơ và đau bắp chân.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy natri hạ, creatinin (đánh giá chức năng thận) tăng cao, lượng đường trong máu 74,39 mmol/L, gấp 11 lần bình thường, chỉ số ceton (axit trong máu) cao. Người bệnh cấp cứu muộn 1-2 ngày có thể phải chạy thận, suy tim, hôn mê, tử vong.
Ông Nghệ được truyền insulin liên tục, truyền dịch natri 0,9%. Sau một ngày, ông tỉnh táo, bớt mệt, bớt các triệu chứng bệnh. Đường huyết giảm còn 200 mg/dL, chỉ số natri máu ở mức an toàn.
Ông từng đột quỵ vào tháng 3/2023, sau điều trị sức khỏe ổn định. Hai tháng sau, bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh tiểu đường type 2, suy thận mạn giai đoạn một, tăng huyết áp, gout, mỡ máu. Suy thận chuyển biến sang giai đoạn 3 khoảng hai tháng sau đó.
"Nghĩ tiểu đường nhẹ như cảm cúm nên tôi thường xuyên bỏ thuốc tiểu đường, không ăn uống theo chế độ dành cho người bệnh", ông Nghệ nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết suy thận mạn thường gặp ở người đái tháo đường. Bệnh nhân có thể bị suy thận trước khi mắc bệnh tiểu đường hoặc suy thận do biến chứng tiểu đường.
Người tiểu đường có đường huyết tăng cao trong thời gian dài làm tổn thương các mao mạch ở cầu thận, khiến cầu thận làm việc quá mức dẫn đến suy thận. Nếu không được điều trị kịp thời, thận dần xơ hóa và mất hoàn toàn chức năng. Khi đó, người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Đường huyết thay đổi liên tục làm suy thận tiến triển nhanh hơn, biến chứng thận ở người tiểu đường xuất hiện sớm hơn.
Trường hợp bệnh nhân Nghệ phát hiện bệnh tiểu đường và suy thận cùng lúc, chưa rõ suy thận có phải do biến chứng tiểu đường hay không. Tuy nhiên, ban đầu, người bệnh chỉ suy thận giai đoạn một, sau đó kiểm soát đường huyết không tốt là yếu tố khiến bệnh thận chuyển biến nặng thành suy thận giai đoạn 3, nhiễm toan ceton.
Bác sĩ Tùng khuyên người bệnh tiểu đường cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc, áp dụng chế độ ăn uống theo hướng dẫn, giúp kiểm soát đường huyết, huyết áp, mức cholesterol, hạn chế biến chứng.
Người bệnh cần xét nghiệm HbA1c (đánh giá chỉ số đường trong ba tháng) ít nhất hai lần một năm hoặc khi có bất thường. Kiểm tra huyết áp thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ điều trị. Giảm muối, thực phẩm chế biến sẵn; tăng trái cây, rau củ giàu chất xơ; thường xuyên tập thể dục giúp quản lý bệnh tiểu đường.
Đinh Tiên
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |