Vụ việc người hưởng lương hưu đã chết cách đây 7 năm nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Phú Yên vẫn chi trả chế độ với tổng số tiền gần 400 triệu đồng đang gây chú ý cộng đồng. Không chỉ Phú Yên, việc chi trả lương hưu cho người đã mất xảy ra ở các địa phương khác. Cơ quan BHXH nêu lý do là thiếu quy định bắt buộc người đang nhận lương hưu đến xác nhận đủ điều kiện tiếp tục hưởng với đơn vị chi trả.
Tuy nhiên, cách làm này bị nhiều người phản ứng vì cho rằng cơ quan BHXH làm khó người dân. Độc giả Phan Văn Châu nhận định: "Không phủ nhận những việc BHXH đã làm khá tốt cho người lao động nói chung. Tuy nhiên, trong vấn đề yêu cầu người hưởng lương hưu định kỳ 'tối thiểu một năm hoặc 6 tháng, phải liên hệ cơ quan BHXH hay địa phương đang cư trú để kiểm tra thông tin' là không hợp lý.
Người hưởng lương hưu hầu hết đã lớn tuổi, đi lại khó khăn. Trong khi đó, quãng thời gian đóng BHXH lại rất dài (từ 30 đến hơn 40 năm), đó là khoảng thời gian họ đã cống hiến. Việc kiểm tra tình trạng người nhận lương hưu (còn sống hay đã chết) để tiến hành chi trả lương hưu, là trách nhiệm của BHXH, không cớ gì buộc người hưởng lương hưu định kỳ phải đi xác nhận".
Đồng quan điểm, bạn đọc Niikkroker phân tích: "Khi người dân đến khai tử tại địa phương thì bộ phận tư pháp của phường hoặc quận phải có trách nhiệm thông tin đến BHXH các cấp để cập nhật thông tin. Theo tôi, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, tránh xảy ra những vụ việc dở khóc dở cười như thế này. Điều quan trọng là phải có sự phối hợp của các ban ngành trong hệ thống nhà nước, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin kịp thời quản lý thông tin từ các đơn vị. Thời buổi công nghệ mà để người dân phải đến từng cơ quan khai báo thủ công là không khả thi và cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong công tác nâng cao khả năng áp dụng công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính".
"Không nên làm khó người hưởng lương hưu. Đây là trách nhiệm của BHXH, có thể mỗi sáu tháng hoặc một năm, cơ quan BHXH phải tự liên hệ đến nơi cư trú của người hưởng lương hưu để mà kiểm tra tình trạng cá nhân. Nếu phát hiện có sai sót, chi trả không đúng thì BHXH có thể truy thu, thay vì bắt người dân phải tự chủ động điều chỉnh. Lỡ sức khỏe của họ không tốt, tuổi già sức yếu thì làm sao người ta đến tận nơi để trình diện được?", độc giả Linh nói thêm.
>> 'Giảm thời gian chờ lương hưu để thêm động lực đóng BHXH'
Làm gì để tránh lặp lại trường hợp trả lương hưu cho người đã chết? Bạn đọc Tuấn Mạnh nêu quan điểm: "Có hai cách để tránh chi trả lương hưu cho người đã mất hoặc người đã đi định cư ở nước ngoài (ủy quyền người nhận thay):
Thứ nhất, đinh kỳ sáu tháng hoặc 12 tháng, "chính chủ" phải liên hệ cơ quan BHXH để xác nhận thông tin tiếp tục được hưởng lương hưu. Nếu quá thời hạn mà không đến xác nhận thì BHXH sẽ dừng chi trả. Phương án này giống như đề nghị của BHXH, tuy nhiên sẽ có bất cập là gây phiền hà cho người hưởng lương hưu.
Thứ hai, khi người dân đến Ủy ban phường, xã... để xin giấy chứng tử thì địa phương phải xác định người mất có thuộc đối tượng đang lĩnh lương hưu hay không? Nếu có thì UBND xã, phường sẽ thông báo thông tin này qua cơ quan BHXH trước khi cấp giấy chứng tử. Giải pháp này có ưu điểm là cập nhật thông tin kịp thời người lĩnh lương hưu vừa mất, và người dân không cần phải đi làm thủ tục trình báo cho cơ quan BHXH.
Trường hợp người lĩnh lương hưu đi định cư nước ngoài thì có thể áp dụng tương tự như cách số hai. Có nghĩa là cơ quan xuất cảnh khi tiếp nhận hồ sơ xin định cư nước ngoài cũng cần xác định người đó có thuộc đối tượng đang lĩnh lương hưu hay không và báo lại cho BHXH".
Ủng hộ giải pháp công nghệ để xác nhận điều kiện hưởng lương hưu của người dân, độc giả Hai Lua đề xuất: "Trên ứng dụng VNeID, chỉ cần bổ sung thêm thông tin cá nhân một mục: còn sống hay đã mất. Khi một người qua đời, người nhà có thể báo với cơ quan chức năng địa phương. Khi đó cán bộ sẽ xử lý ngay và điều chỉnh thông tin cá nhân trên ứng dụng VNeID. Các ngành có liên quan đến thông tin cá nhân như BHXH có thể truy cập dữ liệu đó để xử lý. Hàng năm hoặc định kỳ, cơ quan BHXH chỉ cần cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia là biết ai còn sống, ai đã mất để điều chỉnh việc trả lương hưu".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.