Tình trạng lao động chủ động nộp đơn nghỉ việc chờ rút bảo hiểm ngày một gia tăng tại các tỉnh phía Nam. Một số nhà máy ở Đồng Nai, Long An có hơn nửa lao động nộp đơn với mục đích chờ rút bảo hiểm đã ảnh hưởng sản xuất. Nhiều lao động đang có công việc, thu nhập ổn định vẫn chọn nghỉ làm chờ đủ năm không tham gia bảo hiểm xã hội để nhận trợ cấp một lần.
Bản thân tôi cũng đang làm việc cho một công ty FDI với mức lương "ổn định" - do nhân viên không được tăng lương. Ngoài ra, do kinh doanh khó khăn, công ty còn tìm cách sa thải bớt những nhân viên lâu năm để tuyển người mới với mức lương thấp hơn. Thực trạng sử dụng lao động như vậy, chẳng trách nhiều người lao động muốn nghỉ việc.
Tôi cho rằng, đây cũng là một lý do mà người lao động muốn rút BHXH một lần để lấy vốn làm việc khác, kiếm thêm thu nhập. Mà đã nghỉ việc thì họ cũng sẵn tiện sẽ lấy luôn trợ cấp thất nghiệp và BHXH một lần cho gọn. Tiền BHXH một lần cũng là tiền tiết kiệm của người lao động nên họ có lý do để rút và cân nhắc, tính toán cho riêng mình.
Thêm nữa, luật hiện tại quy định người lao động phải đóng BHXH đủ 20 năm, nhưng tới 62 tuổi mới được lãnh lương hưu, như vậy là quá lâu, không phù hợp với tuổi lao động và sức khỏe thực tế của công nhân ngoài quốc doanh. Những ai làm công nhân, có đi ca đêm mới thấy sức khỏe xuống cấp nhanh như thế nào.
Lệch chu kỳ sinh học, phải đứng cả ngày, làm việc liên tục với cường độ cao, về tới nhà là mệt nhoài, chỉ muốn ngủ, bỏ luôn bữa cơm... Với chế độ làm việc như vậy ngày này qua ngày khác, thử hỏi sức nào chịu nổi? Chưa kể tiền lương hưu còn thấp, nên họ không mặn mà với chế độ hưu trí.
Có thể thấy, bất cập lớn nhất với chính sách BHXH hiện nay là thời gian đóng để hưởng lương hưu và thời gian chờ lãnh lương hưu quá xa nhau. Người lao động nặng nhọc không thể chờ hàng chục năm đến tuổi nghỉ hưu để nhận chút lương hưu ít ỏi. Nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thì tôi cho rằng người lao động sẽ còn rút BHXH một lần nhiều hơn nữa vì thời gian chờ đợi đã dài lại càng dài thêm, chưa kể mức lương hưu cũng bị thấp đi.
>> 'Lương hưu tư nhân và nhà nước cần chung một cách tính'
Theo tôi, người lao động nên được quyền hưởng lương hưu sớm ở bất kỳ thời điểm nào chứ không phải tối đa là 20 năm hay 15 năm. Tất nhiên, hệ số sẽ được tính riêng vào từng thời điểm rút để đảm bảo công bằng nhất cho cả hai bên.
Hiện nay, với số tiền rút BHXH một lần, dù không quá nhiều, nhưng người lao động vẫn có nhiều cách để tạo sinh kế, hơn là chờ đợi mòn mỏi để lãnh lương hưu ba cọc ba đồng. Ví dụ dễ dàng nhất là gửi tiền vào ngân hàng, lãi suất hiện tại tính ra vẫn hấp dẫn hơn nhiều so với lương hưu. Hoặc những người có kiến thực thậm chí còn có thể đem tiền đó đi đầu tư, sản xuất, kinh doanh để tự tạo nguồn thu nhập tốt hơn cho bản thân.
Ở đây, tôi không đòi hỏi đóng ít mà hưởng nhiều. Tôi hiểu rằng nếu đóng BHXH ở mức thấp, thời gian ngắn, lại rút sớm thì không thể mong cầu số tiền rút về cao được. Nhưng vì còn ít nên tôi không chờ lương hưu mà muốn rút một lần để làm việc khác. Vậy thì tại sao lại gây khó dễ khi đó là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng?
Đến nay, tôi đã đóng BHXH được hơn 10 năm. Tôi cũng tính sẽ rút BHXH một lần khi làm đủ 19 năm nếu quy định hiện hành không được thay đổi theo hướng tích cực hơn. Với những người làm công nhân nặng nhọc, làm ca đêm liên tục như tôi, cộng thêm dịch bệnh phức tạp, tôi không biết liệu mình còn sống đến lúc 60 tuổi để nhận lương hưu không?
Hơn nữa, xui rủi vì lý do nào đó mà tôi mất sớm khi chưa đến tuổi nhận lương hưu thì tiền tử tuất mà người thân nhận được quá ít so với số tiền rút BHXH một lần sau 19 năm (chỉ tối đa bằng 10 tháng lương cơ bản). Đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi từ góc nhìn của một công nhân bình thường khi nghĩ đến quyền lợi của mình. Rất mong cơ quan BHXH sẽ lắng nghe nguyện vọng của người lao động để có những điều chỉnh, tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.