Chiều 15/8, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, bà Hương (trú TP Tuy Hòa) thuộc diện hưởng lương hưu hàng tháng, nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Việc chi trả được thực hiện qua hệ thống bưu điện.
Ngày 29/1/2016, bà Hương mất. Gia đình bà đã báo tử tại UBND phường nhưng không đến cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục mai táng phí, tuất một lần. Do không xác định được bà Hương đã mất, bưu điện vẫn chi trả đều đặn số tiền lương hưu cho bà qua tài khoản.
Mới đây, khi thực hiện mã định danh công dân, Bảo hiểm xã hội Phú Yên phát hiện bà Hương qua đời. Từ tháng 2/2016 đến 6/2023, bưu điện chuyển 89 tháng lương hưu (mỗi tháng hơn 4,4 triệu đồng) vào tài khoản cá nhân của bà với tổng số tiền 392,2 triệu đồng và 2,8 triệu đồng quà Tết của UBND tỉnh (400.000 đồng mỗi năm).
Tại thời điểm phát hiện, tài khoản của bà Hương "hụt" hơn 150 triệu đồng so với số tiền bưu điện đã chi trả, do người thân rút ra sử dụng. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, con trai bà đồng ý làm thủ tục để thanh toán mai táng phí, tiền tuất một lần cho mẹ và trả lại số tiền bưu điện đã chi vượt.
Trả lời VnExpress, ông Trần Văn Toán, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Phú Yên, cho biết đã yêu cầu bưu điện thu hồi lại số tiền chi sai. Các cơ quan đang phối hợp để đánh giá nguyên nhân, thủ tục cấp giấy chứng tử. Khi xác định rõ, phía bảo hiểm mới có cơ sở xem xét tính lãi số tiền đã chi.
Từ vụ việc của bà Hương, Bảo hiểm xã hội Phú Yên rà soát lại toàn bộ người đang hưởng lương hưu, đảm bảo đủ điều kiện tiếp tục hưởng. Việc này vừa để rút kinh nghiệm vừa tránh sai sót tương tự.
Không chỉ Phú Yên, việc chi trả lương hưu cho người đã mất xảy ra ở các địa phương khác. Cơ quan bảo hiểm xã hội nêu lý do là thiếu quy định bắt buộc người đang nhận lương hưu đến xác nhận đủ điều kiện tiếp tục hưởng với đơn vị chi trả.
Hiện, việc chi trả lương hưu được bảo hiểm chi trả qua hệ thống bưu điện với 3 hình thức: trả tiền mặt tại bưu điện, tài khoản ngân hàng và ủy quyền cho người khác nhận thay, tùy vào nhu cầu người hưởng.
Trong các điều khoản phối hợp thực hiện chi trả lương hưu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có yêu cầu định kỳ hàng năm nhân viên bưu điện phải đến kiểm tra tình trạng người nhận lương hưu. Ngoài ra, bưu điện các địa phương ký hợp đồng với xã, phường khi có thông tin báo tử của người hưởng lương hưu phải báo cho hệ thống để dừng.
Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, nói quy định là vậy nhưng vẫn có những trường hợp đã chết vẫn được trả lương hưu, chủ yếu rơi vào nhóm đăng ký nhận qua tài khoản ngân hàng hoặc ủy quyền cho người khác lĩnh thay. Địa bàn TP HCM có hơn 251.000 người hưởng lương hưu từng phát hiện một số trường hợp, sau đó phải truy thu.
Lý do là người hưởng di chuyển sang các địa phương khác, chết nhưng thân nhân không báo tử cho nơi đăng ký thường trú, đi định cư nước ngoài... nên nhân viên bưu điện, cán bộ xã, phường không quản lý được.
Theo ông Hà, mặc dù người hưởng lương hưu mất sẽ được trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở (hiện 18 triệu đồng), trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp người thân thấy "hưởng lương hưu hàng tháng lợi hơn các khoản trợ cấp nên không khai báo".
Để "bịt" lỗ hỏng này, trước đây Bảo hiểm xã hội TP HCM đã yêu cầu người nhận hưu trí qua tài khoản ngân hàng hoặc ủy quyền định kỳ 6 tháng hoặc một năm đến cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất hoặc xã, phường nơi mình cư trú xác nhận đủ điều kiện tiếp tục hưởng. Cách làm này phát huy hiệu quả và được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chung cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban thực hiện chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cách làm này bị nhiều người phản ứng vì cho rằng cơ quan bảo hiểm xã hội làm khó người dân, ngành bảo hiểm không có quyền ra văn bản yêu cầu người dân trình báo. Do đó, đề nghị định kỳ người hưởng lương hưu xác nhận đủ điều kiện hưởng bị bãi bỏ.
Theo ông Thọ, cả nước có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu nên việc quản lý gặp thách thức. Thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội một số địa phương phát hiện một số người đã chết vẫn được trả lương hưu và phải truy thu cả gốc lẫn lãi.
Để khắc phục, ông Trần Dũng Hà đề xuất trong lần sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này cần đưa quy định tối thiểu một năm hoặc 6 tháng, người hưởng lương hưu phải liên hệ cơ quan bảo hiểm xã hội hay địa phương đang cư trú để kiểm tra thông tin, đưa dữ liệu lên hệ thống. Quy định này tương tự hàng tháng lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm khai báo tình trạng mất việc để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
* Tên nhân vật ở Phú Yên đã thay đổi.
Bùi Toàn - Lê Tuyết