Góp ý dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều cơ quan đề xuất tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác của lao động. Theo đề xuất này, nếu mỗi tháng lao động có tổng thu nhập 10 triệu đồng bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương, thì căn cứ tính đóng BHXH sẽ ít nhất là 7 triệu (70%). Người lao động trích đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14% của 7 triệu đồng vào Quỹ Hưu trí tử tuất. Đề xuất nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ BHXH.
Cho rằng phương án trên thiếu tính khả thi, độc giả Hung nhận định: "Thay đổi theo hướng này chắc chắn sẽ khiến chi phí của người lao động và doanh nghiệp bỏ ra cao hơn hiện tại. Trong khi đó, tiền lương và lợi nhuận công ty không tăng, thì khoản thu đó sẽ bào mòn đi thu nhập của người lao động.
Vấn đề thứ hai là cơ quan đề xuất không nêu ra được mặt lợi cụ thể của người lao động khi tăng mức thu. Việc tăng lương hưu là rất xa vời vì nó thuộc tầm dài hạn (vài chục năm), còn cái người lao động quan tâm là quyền lợi tác động trực tiếp đến họ trong khoảng thời gian ngắn hạn vài năm tới. Tăng thu như thế mức sống người lao động có tăng theo không?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Sivico phân tích: "Theo tôi, rất khó để áp dụng theo mức 70% thu nhập vì:
- Đối với doanh nghiệp trả lương cố định hàng tháng thì việc này có thể áp dụng được, nhưng đối với các doanh nghiệp trả lương khoán sản phẩm thì mỗi tháng thu nhập của người lao động là khác nhau, vậy doanh nghiệp cần bao nhiêu người làm nhân sự mới có thể tăng hoặc giảm BHXH hàng tháng cho người lao động của doanh nghiệp mình? Vậy nên đối với doanh nghiệp trả lương khoán sản phẩm, điều này không khả thi.
- Sau dịch Covid-19 và do ảnh hưởng thế giới, rất nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giải thể, phá sản. Áp dụng đóng theo mức lương tối thiểu vùng như hiện nay cũng là nỗ lực của rất nhiều doanh nghiệp. Nếu giờ quy định đóng BHXH theo 70% thu nhập thì sẽ còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hơn nữa.
- Theo tôi, Nhà nước nên tăng mức lương tối thiểu vùng theo lộ trình để doanh nghiệp và người lao động đóng theo mức đó thì sẽ dễ dàng trong việc quản lý thu cũng như dễ cho doanh nghiệp trong việc báo cáo tăng, giảm hàng tháng.
- Với cách tính lương hưu như hiện nay, (tính trung bình cả quá trình với doanh nghiệp ngoài nhà nước), trước tình hình trượt giá, lạm phát, liệu lương hưu có đủ sống? Hiện giờ dù có đóng cao nhưng vài chục năm nữa, khi về hưu, số tiền đó chắc gì đã là cao".
"Quỹ lương của các doanh nghiệp có tự động tăng lên được không, hay các doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm lao động, giảm lương hoặc chậm tăng lương để bù đắp chi phí đóng BHXH tăng lên? Theo phương án đóng BHXH mới, sau 20-30 năm nữa, tiền mất giá thì người lao động có thể nhận được thêm bao nhiêu phần trăm lương hưu, liệu có đủ sống? Vậy người lao động có thực sự được lợi ích gì?", độc giả Quan nói thêm.
>> 'Hưởng lương hưu sớm có điều kiện cho người lao động'
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Anh Tuan lại đặt niềm tin vào tính khả thi của đề xuất tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% thu nhập: "Tốt nhất là nên làm theo phương án đóng 70% dựa trên tổng thu nhập của người lao động. Đây là phương án khiến doanh nghiệp không thể lách luật, không thể ký hợp đồng 'miệng' với người lao động.
Cái lợi nhất là càng đóng về lâu dài thì người được hưởng lợi nhất chính là người lao động, bởi trong cơ cấu đóng thì doanh nghiệp mới chính là bên phải gánh nhiều nhất (gấp hơn hai lần so với người lao động). Vì sao người lao động lại phản đối? Khi về già, nghỉ hưu, lương nhận được cao hơn nhiều lần trong khi bạn lại chỉ phải đóng nhiều hơn chút xíu so với hiện tại, đó chẳng phải là điều tốt hay sao?".
Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Nguyễn Tuấn: "Theo tôi, mức tăng này vẫn là còn thấp. Các nước phát triển luôn lấy tổng thu nhập làm căn cứ tính BHXH. Điều này sẽ có lợi cho người lao động, đồng thời sẽ giúp mức lương hưu cao hơn. Nhưng các doanh nghiệp sẽ không thích điều này vị họ sẽ phải đóng bảo hiểm cho người lao động nhiều hơn, trong khi giảm lương không hề đơn giản. Tuy nhiên, tôi đề xuất nên tính lương hưu căn cứ theo lương của 5 hoặc 10 năm cuối để phù hợp với mức sống và lạm phát tại thời điểm về hưu".
Ủng hộ đề xuất tăng mức lương tính đóng BHXH, bạn đọc Tâm nhấn mạnh: "Thay đổi này chủ yếu đánh vào các doanh nghiệp là chính, người lao động đóng thêm không nhiều nhưng lại được hưởng lương hưu cao. Nếu nhìn vào quyền lợi lâu dài của người lao động thì tôi nghĩ không có lý do gì để phản đối. Luật đã quy định đóng tất cả lương và phụ cấp bổ sung rồi, nên tối thiểu 70% thu nhập là hợp lý. Công ty nào khai lương và phụ cấp ít hơn 70% thu nhập thì chỉ có đang lách luật để trốn đóng BHXH mà thôi.
Ai thu nhập không cao, ví dụ khoảng 10 triệu đồng một tháng thì lương tính đóng BHXH chỉ nâng lên mức 7 triệu đồng, nghĩa là tiền đóng BHXH, BHYT... hàng tháng do người lao động đóng cũng chỉ khoảng hơn 500.000 đồng, không chênh lệch bao nhiêu so với hiện tại. Nhưng người thu nhập cao mới đang bị các công ty lách luật, trốn đóng nhiều, do kê khai lương đóng BHXH rất thấp. Chính những người này bị ảnh hưởng quyền lợi mà không biết. Nên Nhà nước ra luật chặt chẽ hơn để doanh nghiệp đóng cao hơn là điều hợp lý".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.