Qua nhiều ý kiến tranh luận của độc giả VnExpress thời gian qua xung quanh câu chuyện tìm giải pháp cho BHXH, đồng thời xuất phát từ tình hình cuộc sống thực tế của người lao động và các doanh nghiệp, tôi cho rằng có hai vấn đề lớn nhất cần phải giải quyết:
Từ phía người lao động
Bất cập hiện nay là nhiều người lao động dù đã tham gia đóng BHXH nhiều năm, giờ có nhu cầu nghỉ và hưởng lương hưu, nhưng họ không đủ điều kiện do: chưa đủ 20 năm đóng BHXH, hoặc đã đóng BHXH đủ 20 năm nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định.
Nhu cầu nghỉ và hưởng lương hưu sớm của người lao động là một mong muốn hoàn toàn chính đáng khi họ thấy không còn phù hợp với công việc hiện tại, như làm việc tại các hầm lò (độc hại), trèo cao (việc nặng), khi sức khỏe giảm sút (nhưng không đủ điều kiện giám định sức khỏe)... Do đó, chính sách BHXH cũng cần quan tâm hơn tới những đối tượng này và cho họ một lựa chọn phù hợp.
Với những người lao động làm các công việc nhẹ nhàng hơn, việc tiếp tục làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của luật BHXH là không có gì phải bàn cãi. Thế nên, tôi cho rằng, việc giữ nguyên tuổi hưu với những đối tượng này như hiện nay là chấp nhận được.
Từ phía doanh nghiệp
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn tuyển được những lao động phù hợp về độ tuổi và trình độ. Chuyện doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng các lao động trẻ trung, có sức khỏe hơn những lao động đã bước qua tuổi 45, lại không có tay nghề cao hay chuyên môn giỏi, cũng là điều hết sức dễ hiểu. Chúng ta không thể chỉ trích các doanh nghiệp chỉ vì họ không trọng dụng các lao động lớn tuổi vì đây là câu chuyện liên quan đến năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mang tính sống còn với doanh nghiệp.
Sau khi khai thác hết sức trẻ của lao động, doanh nghiệp nào cũng muốn trẻ hóa đội ngũ công nhân của mình để đáp ứng năng suất, công việc mới, tăng năng lực cạnh tranh. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người ta luôn muốn tuyển các kỹ sư, kỹ thuật viên trẻ trung, năng động, cập nhật những kiến thức mới; hay các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nặng nhọc, độc hại cũng luôn ưu tiên sức trẻ.
Khi các doanh nghiệp chọn tuyển dụng lao động lớn tuổi (trên 50 tuổi), họ cũng sẽ phải cân nhắc trả lương thấp tương đương với năng suất lao động thực tế. Điều đó dẫn đến mức lương đóng BHXH cho những người lao động này cũng thấp theo, hệ quả là lương hưu sau này cũng thấp. Đó là một thực tế khó tránh khỏi.
>> 'Lựa chọn nhận lương hưu mức thấp khi đủ số năm làm việc'
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là giải pháp nào để dung hòa lợi ích cho tất cả các bên?
Tôi cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu vẫn nên giữ nguyên (62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ) như hiện tại. Đây là xu thế chung của cả thế giới trong bối cảnh tuổi thọ người dân liên tục tăng cao, nguy cơ dân số già ngày một hiện hữu. Mức hưởng lương hưu tối đa khi về hưu đúng tuổi là 75% mức đóng BHXH cũng là một con số hợp lý để đảm bảo duy trì hoạt động của quỹ hưu trí.
Vậy nên, mấu chốt ở đây là cần giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu xuống còn 15 năm thay vì kéo dài như hiện tại. Khi người lao động có nhu cầu nghỉ hưu sớm trước tuổi hưu, cơ quan BHXH cần có chính sách giải quyết chế độ hưu trí cho nguyện vọng chính đáng của họ. Mức hưởng lương hưu ở thời điểm này có thể thấp hơn mức tối đa, khoảng 45% mức đóng BHXH và không kèm theo điều kiện tuổi (chỉ cần đóng đủ 15 năm).
Kể từ mốc 15 năm, cứ mỗi một năm đóng BHXH, người lao động sẽ được tăng thêm 1,5% mức đóng BHXH. Người lao động được quyền nghỉ hưu bất cứ thời điểm nào và sẽ được hưởng hưởng lương hưu theo tỷ lệ tăng tương ứng và không kèm theo điều kiện tuổi.
Sau 30 năm đóng BHXH như trên, nếu người lao động tiếp tục đóng BHXH cho đến khi đủ 62 tuổi và có số năm đóng BHXH đủ 35 năm thì sẽ được hưởng lương hưu tối đa, bằng 75% mức đóng BHXH. Số năm đóng BHXH thừa cũng sẽ được thanh toán một lần, hoặc được hoán đổi theo tỷ lệ tương ứng. Nếu người lao động đủ 62 tuổi nhưng chưa đủ 35 năm đóng BHXH thì cứ mỗi năm thiếu sẽ bị trừ tương ứng 1,5%, hoặc cho đóng thêm để đủ số năm theo quy định.
Tôi cho rằng, người lao động xứng đáng được hưởng lương hưu sau 15 năm gắn bó, tham gia đóng BHXH. Và họ nên được trao quyền tự quyết định thời gian nghỉ, cũng như hưởng lương hưu tùy theo tình trạng sức khỏe, công việc của mình. Giải pháp này sẽ phù hợp với lao động tham gia đóng BHXH muộn, công việc không ổn định.
Việc cho phép nghỉ hưu không lệ thuộc điều kiện tuổi, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, cũng sẽ phù hợp với các lao động trung tuổi, không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Sau 30 năm đóng BHXH, nếu tiếp tục tham gia đóng BHXH người lao động sẽ không thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và hưởng mức lương hưu 75% mức đóng BHXH. Trường hợp này phù hợp với lao động nhẹ, văn phòng, công sở.
Nếu triển khai theo hướng này, tôi tin mọi đối tượng người lao động đều sẽ được hưởng lợi từ chính sách của BHXH. Họ cũng sẽ có thêm động lực để lao động, cống hiến và tham gia BHXH. Từ đó, tình trạng rút BHXH một lần cũng sẽ được giải quyết một cách triệt để, bảo đảm hoạt động ổn định cho quỹ hưu trí.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.