Lương hưu lao động khối tư nhân được tính trung bình cả quá trình đóng BHXH, trong khi với người làm nhà nước, tùy vào thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội mà lương hưu sẽ được tính dựa trên bình quân các năm cuối là 5-10-20 năm. Sự phân biệt giữa người lao động khối tư nhân và cán bộ, công chức nhà nước được xem là một trong những nguyên nhân lớn khiến người lao động khối tư nhân lựa chọn rút BHXH một lần.
Nói về câu chuyện bất cập này, độc giả Duyen An nhận định: "Tôi cũng đồng quan điểm rằng rất không công bằng khi tính lương hưu giữa người lao động làm việc trong khối cơ quan nhà nước và tư nhân hiện nay. Mặc dù có tính trượt giá nhưng hoàn toàn không cân xứng với đồng tiền người lao động đã đóng tính đến thời điểm nhận lương hưu.
Khối tư nhân lúc nào cũng đóng cao hơn tiền lương cơ bản theo quy định, nhưng đến khi tính lương theo chỉ số trượt giá thì rất thấp, có thể chỉ bằng một phần hai lương cơ bản đã quy đổi trượt giá. Có trường hợp khi mới bắt đầu đóng BHXH với tiền lương cao hơn lương bên khối cơ quan nhà nước rất nhiều, nhưng khi tính trượt giá tại thời điểm nhận lương hưu thì lại rất thấp. Nhiều người lao động rất bức xúc việc này từ lâu, cảm thấy bất công cho người lao động làm việc ở khối tư nhân. Mong được điều chỉnh".
Đồng quan điểm, bạn đọc Khổng Thị Anh nhận xét: "Rất cần sự công bằng về mức hưởng lương hưu của người lao động giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Cùng những năm tháng đóng BHXH như nhau, người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân cũng đóng góp như doanh nghiệp nhà nước, vậy lý do gì mà họ phải chịu thiệt thòi như vậy? Doanh nghiệp tư nhân đã tìm mọi cách để hạn chế đóng góp cho người lao động, chỉ đóng BHXH ở mức tối thiểu, cộng với sự phân biệt của chính sách nên mức hưởng lương hưu của người lao động ngoài nhà nước rất thấp. Chính vì vậy nên họ sẽ rút BHXH một lần thay vì chờ hưởng lương hưu ở mức quá thấp".
Chỉ ra những điểm khiến người lao động khối tư nhân chịu nhiều thiệt thòi khi hưởng lương hưu, độc giả Tuan Tran Soi Phung phân tích: "Có quá nhiều thiệt thòi với người lao động khối doanh nghiệp tư nhân so với khối công chức nhà nước:
1. Lương hưu của họ tính bình quân tất cả năm đóng BHXH, do vậy mức hưởng sẽ rất thấp (trước năm 2008, phần lớn doanh nghiệp tư nhân còn tính theo thang lương nhà nước nên rất thấp).
2. Người lao động khối doanh nghiệp tư nhân làm việc nhiều hơn ít nhất một ngày mỗi tuần so với khối công chức. Thêm vào đó, phần lớn người lao động ngoài nhà nước khó đủ sức trụ nổi với công việc qua tuổi 55, trong lúc cán bộ công chức vẫn có thể ung dung làm việc cho tới tuổi về hưu.
Đề nghị cần thay đổi gấp và nên cho tính lại lương hưu (và truy cấp) cho những người thuộc khối doanh nghiệp tư nhân đã nghỉ hưu từ năm 2020 (khi có quy định tuổi và cách tính mới)".
>> 'Khó chờ lương hưu 20 năm khi thu nhập hiện tại không đủ sống'
Bổ sung thêm cho những ý kiến về sự bất cập trong cách tính lương hưu với lao động ngoài nhà nước, bạn đọc The Wall nêu dẫn chứng: "Thứ nhất, người làm nhà nước được tính lương hưu dựa trên trung bình 5, 10 năm cuối. Trong khi đó, người làm ở khu vực tư nhân phải tính cả quá trình. Như vậy, đó đã là điều rất không công bằng rồi.
Thứ hai, người làm nhà nước tính bằng hệ số, cứ lấy trung bình hệ số của 5, 10 năm cuối nhân với lương cơ bản tại thời điểm nghỉ hưu (hệ số giữ được độ trượt giá của đồng tiền). Còn người làm ở khu vực tư nhân thì tính bằng tiền lương, mặc dù có bù giá nhưng thật sự là hệ số bù giá không đủ.
Tôi lấy ví dụ, hệ số trượt giá cho năm 2004 bằng 3,21 lần so với năm 2023. Nhưng thực tế, năm 2004 khi tôi vừa ra trường, ăn một đĩa cơm bình dân giá 3.000 đồng. Năm 2022, giá đĩa cơm bình dân đã là 25.000 đồng. Vậy hệ số trượt giá không thể là 3,21 lần được.
Một ví dụ nữa là lương cơ bản tháng 12/2004 là 290.000 đồng, lương cơ bản tháng 12/2023 là 1.800.000 đồng. Vậy hệ số trượt giá lẽ ra phải là 6,2 lần chứ không phải là 2,31 lần".
Nhấn mạnh cần điều chỉnh chính sách BHXH để đảm bảo công bằng cho người lao động giữa khối tư nhân và nhà nước, độc giả Luu Van Tuong kết lại: "Cần công bằng trong cách tính lương hưu giữa khối tư nhân và nhà nước. Tốt nhất là phải có cùng một cách tính để tạo công bằng xã hội. Khối nhà nước càng làm lâu lương càng cao. Khối tư nhân thì lương phụ thuộc vào năng lực, ít phụ thuộc vào thâm niên.
Khối tư nhân có xuất phát điểm đóng bảo hiểm thường cao hơn nhà nước, nhưng sau thời gian nếu họ không lên được vị trí hoặc khi già sẽ bị đào thải phải làm vị trí thấp hơn, lương đóng những năm cuối có thể không nhiều nhưng tổng thể thường vẫn nhiều hơn nhà nước. Trong khi đó, làm nhà nước chỉ cần đóng mấy năm cuối cao là lương hưu cao, dù tổng đóng thấp hơn khá nhiều. Như vậy là thiếu công bằng. Nên tính chung cả quá trình, không nên tính chỉ mấy năm cuối. Và cần phải áp dụng cho tất cả người lao động như nhau để tạo công bằng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.