Trước những lo ngại về độ bền vững của quỹ BHXH Việt Nam, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, khuyến nghị nên bỏ chính sách trợ cấp BHXH một lần, đồng thời cảnh báo Việt Nam gần như là nước duy nhất trên thế giới thực hiện chính sách cho người lao động rút toàn bộ tiền BHXH một lần tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này khiến lao động rời bỏ hệ thống BHXH sớm, thời gian tham gia sau đó không đủ để nhận lương hưu.
Phản biện lại quan điểm trên, độc giả Duy Khang chỉ ra những bất cập cần phải giải quyết trước khi ngăn người lao động Việt rút toàn bộ BHXH một lần: "Trước khi muốn so sánh các chính sách của nước ta với thế giới, trong đó có BHXH, thì điều quan trọng nhất chính là phải nâng mức lương cơ bản của người lao động lên một mức phù hợp, tương xứng với thế giới. Chỉ cần so sánh với các nước trong khu Đông Nam Á thôi cũng đã thấy lương của người lao động phổ thông Việt Nam (lực lượng rút BHXH một lần nhiều nhất) là quá thấp.
Công nhân mỗi tháng phải tăng ca từ 80-100 giờ, trong khi tổng lương chỉ nhận được khoảng hơn 10 triệu đồng. Và đặc biệt, khi kinh tế toàn cầu khó khăn, ở Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà máy không còn tăng ca. Lúc này, thu nhập phần lớn không thể giúp người lao động phổ thông đủ trang trải cuộc sống.
Chưa kể các công ty sẽ tiến hành cắt giảm lao động hàng loạt vì thiếu đơn hàng. Lúc đó, cái người lao động phổ thông nghĩ đến chỉ có thể là rút toàn bộ BHXH một lần. Số tiền này có thể chẳng đáng là bao, nhưng trước mắt sẽ giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, duy trì được cuộc sống để có thêm thời gian tìm một công việc nào đó mưu sinh. Họ không thể thể chờ đợi đến 20-30 năm sau để nhận lương hưu khi cuộc sống hiện tại còn chưa biết phải sống thế nào?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hoàng Dũng cho rằng cần giải quyết bài toán nhân công giá rẻ trước khi muốn giảm tình trạng rút BHXH một lần: "Một trong những vấn đề nhức nhối tôi đã thấy từ lâu khi các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đó là nhân công giá rẻ và lực lượng lao động trẻ. Chính sách không theo kịp để bảo vệ người lao động khiến cho họ bị sa thải hàng loạt ở độ tuổi trên 40, biến họ thành lực lượng lao động dở dang và khó tìm việc khác.
Khi một công nhân lao động lâu năm, mọi chi phí cho người công nhân đó tăng lên theo từng năm, trong khi người sử dụng lao động chỉ cần nhân công giá rẻ, trẻ khỏe để làm các công việc phổ thông. Do vậy, doanh nghiệp sẵn sàng sa thải lực lượng lao động có tuổi để tìm kiếm nhân lực trẻ khoẻ hơn với chi phí thấp nhất. Nhất là công nhân trong ngành may mặc, luôn vừa thiếu vừa thừa, liên tục tuyển mới nhưng cũng sa thải hàng loạt".
"Ví dụ bây giờ tôi 45 tuổi, làm công nhân đã có thâm niên, lương cao. Trong lúc thị trường khó khăn, công ty tôi muốn thay thế bớt những nhân sự có tay nghề nhưng lương cao, để sau này kinh tế hồi phục, quay lại mở rộng sản xuất sẽ tuyển mới sau, qua đó giúp tiết kiệm quỹ lương. Vậy giờ khi tôi bị sa thải, với độ tuổi này, liệu ai sẽ tuyển dụng tôi? Giờ nếu rút BHXH một lần, ít nhất tôi cũng có ít vốn, có thể mua được xe nước, xe bánh mì... làm vốn kiếm sống đủ qua ngày. Chứ nếu không tôi biết làm gì để ngồi chờ tới 62-65 tuổi mà hưởng lương hưu?", độc giả Phát Huỳnh lấy ví dụ.
>> Nỗi lo giảm thu nhập khi nâng mức đóng bảo hiểm xã hội
Cùng chung nỗi lo thất nghiệp trước tuổi nghỉ hưu, độc giả Dung nêu đề xuất: "Chẳng có ai đang đi làm mà muốn phải rút bảo hiểm xã hội một lần cả. Vấn đề của người rút BHXH một lần nên xem xét cẩn thận, đó là họ thất nghiệp, khó tìm lại việc làm. Như ở Nhật, việc sa thải nhân viên rất khó, doanh nghiệp phải bồi thường nhiều. Còn ở Việt Nam, đặc biệt là lao động ngành may mặc và các ngành thủ công khác, thường xuyên xảy ra trình trạng sa thải hàng loạt người làm lâu năm. Do đó, cần phải tăng mức bồi thường cho người lao động bị xa thải nhiều hơn để công nhân yên tâm tham gia BHXH".
Làm gì để giữ chân người lao động ở lại với BHXH một cách bền vững và tự nguyện? Bạn đọc Vô Danh nhận định: "Đây là cái mặt trái của kinh tế thị trường. Khi thị trường có nhu cầu lao động thì người lao động dễ thở và dễ tìm việc. Khi kinh tế suy thoái thì công nhân dễ bị mất việc và khó tìm việc khác.
Tóm lại, để cứu vãn tình thế, thứ nhất phải có chính sách yêu cầu người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội lâu dài để khi về già thì có tiền hưu. Thứ hai, phải mở các trường dạy nghề cho người lao động có tuổi để khi mất việc thì họ có thể học ngay một ngành nghề phù hợp với lứa tuổi của mình và tiếp tục lao động và đóng bảo hiểm xã hội".
Độc giả Truong Toan nói thêm: "Cần có sự kết hợp, cải tiến để hướng đến sự cân bằng và phát triển. Ví dụ:
1. Nâng cao đào tạo, cải thiện chất lượng lao động, phù hợp với yêu cầu công việc mới.
2. Xây dựng chính sách đầu tư phát triển công nghệ vào những công việc cơ bản, thay thế dần lao động phổ thông.
3. Đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng cần đi đôi hài hòa với người sử dụng lao động (vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp muốn thuê lao động với giá rẻ).
4. Phát huy giá trị của ngành nghề một cách bền vững.
Hy vọng BHXH sẽ có nhiều khởi sắc trong bối cảnh hiện tại nếu thực hiện được những vấn đề nêu trên".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.