Vợ chồng anh Mạnh từng dùng nhiều thực phẩm chức năng, uống thuốc Đông Tây y vẫn không có thai. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh vô sinh do không có tinh trùng trong tinh dịch, khuyên xin tinh trùng hiến tặng để có con.
Cuối tháng 11/2022, vợ chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) điều trị hiếm muộn. Kết quả siêu âm ghi nhận hai bên tinh hoàn anh Mạnh teo nhỏ bằng khoảng 1/7 kích cỡ bình thường, không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, chỉ số nội tiết tố tăng cao.
Khai thác bệnh sử, BS.CKII Cao Tuấn Anh ghi nhận anh Mạnh từng mắc quai bị năm 18 tuổi, chẩn đoán thuộc nhóm vô tinh không tắc nghẽn do biến chứng teo tinh hoàn sau mắc quai bị.
Bác sĩ Tuấn Anh lý giải virus gây quai bị có thể gây viêm tinh hoàn, khiến tinh hoàn sưng to, các tế bào mầm bên trong bị tổn thương không thể phục hồi. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây chết các tế bào sinh tinh, tinh hoàn xơ và teo nhỏ dần, dẫn đến giảm số lượng, hình thái và khả năng hoạt động của tinh trùng.
Thống kê cho thấy khoảng 20-25% nam giới mắc quai bị sau tuổi dậy thì bị biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, trong đó khoảng 50% trường hợp teo dần. Bệnh có thể chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn. Trường hợp viêm teo cả hai tinh hoàn như anh Mạnh xảy ra ở khoảng 10-30% nam giới mắc bệnh. Tình trạng này gây ảnh hưởng sinh lý nam, giảm ham muốn, rối loạn cương, vô sinh.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, vô tinh do quai bị biến chứng teo tinh hoàn khó chữa. Tuy nhiên vẫn còn cơ hội làm cha vì quá trình sinh tinh vẫn còn tiếp diễn ở một khu vực nhỏ nào đó trong tinh hoàn. Hiện kỹ thuật vi phẫu mổ tinh hoàn thu tinh trùng (micro-TESE) được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Khác với các phương pháp cổ điển, micro-TESE cho tỷ lệ tìm thấy tinh trùng cao, khoảng 60% các trường hợp vô tinh nói chung và gần 100% với các trường hợp vô tinh do quai bị. Lượng mô lấy ra chỉ bằng 1/10 so với phương pháp TESE trước đây, ít gây tổn thương tinh hoàn, hạn chế biến chứng hậu phẫu như chảy máu, nhiễm trùng hoặc sang chấn, phá hủy chức năng tinh hoàn, giảm thiểu suy giảm nội tiết sinh dục nam... Đặc biệt, kết quả thụ tinh ống nghiệm (IVF) từ tinh trùng tìm thấy sau mổ gần tương đương với tinh trùng lấy từ mẫu tinh dịch.
Bác sĩ sử dụng kính vi phẫu có độ phóng đại 30 lần để tìm những ống sinh tinh tiềm năng còn sót lại của bệnh nhân, sau đó chuyển vào Labo. Các chuyên viên soi dưới kính hiển vi đảo ngược có độ phóng đại hơn 200 lần, tìm thấy lượng tinh trùng đủ để trữ đông.
Tháng 3/2023, người vợ được kích thích buồng trứng, chọc hút thu được 21 nang noãn, thụ tinh với tinh trùng đã rã đông bằng kỹ thuật ICSI ( tiêm tinh trùng vào bào tương noãn). Phôi được chuyển vào tủ Timelapse nuôi cấy gắn camera quan sát liên tục, giúp vợ chồng anh Mạnh có 11 phôi tốt.
Tháng 7/2023, bác sĩ chuyển một phôi vào buồng tử cung người vợ thành công. Ngày 31/1, gia đình đón bé gái khỏe mạnh chào đời, nặng 2,9 kg.
Sau 7 năm không con, Tết này vợ chồng anh Mạnh hạnh phúc khi lần đầu nhận những lời chúc mừng, hỏi thăm từ bạn bè, người thân. "Đây là kỳ tích của cuộc đời tôi", anh nói khi ôm con gái vào lòng.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tỷ lệ mắc bệnh quai bị hàng năm ở nước ta dao động khoảng 10-40 trường hợp trên 100.000 dân. Hiện miền Bắc bước sang mùa xuân, khí hậu ẩm ướt, mát lạnh là môi trường thuận lợi cho virus quai bị phát triển và lan truyền mạnh.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho thấy viêm tinh hoàn thường xảy ra ở khoảng 30% nam giới sau tuổi dậy thì chưa tiêm vaccine phòng và 6% bệnh nhân quai bị sau tuổi dậy thì đã được tiêm phòng. Tiêm vaccine là cách tốt nhất tránh nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ biến chứng.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết viêm tinh hoàn sau mắc quai bị thường xuất hiện sau khi sưng mang tai khoảng 1-2 tuần. Các triệu chứng có thể gặp là sốt cao, nhức đầu, ớn lạnh, tinh hoàn đau, sưng to gấp 3-4 lần bình thường, da bìu chuyển màu đỏ, mào tinh sưng to.
Bác sĩ khuyến cáo quá trình suy giảm sinh tinh thường diễn tiến âm thầm, khó nhận biết. Do vậy, vợ chồng sau kết hôn một năm (6 tháng nếu tuổi vợ trên 35) quan hệ tình dục đều đặn (2-3 lần mỗi tuần), không sử dụng biện pháp tránh thai mà chưa có con nên thăm khám sức khỏe sinh sản toàn diện để phát hiện sớm nguyên nhân, điều trị kịp thời hoặc thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp.
Nếu có tiền sử mắc bệnh quai bị, chấn thương bìu, nhiễm bệnh lây qua đường tình dục hoặc có các dấu hiệu bất thường như suy sinh dục, đau, giảm ham muốn..., nam giới dù chưa kết hôn vẫn nên tầm soát sức khỏe sinh sản định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường và điều trị dự phòng sớm. Trường hợp cần thiết có thể trữ tinh trùng để bảo tồn chức năng sinh sản.
Trịnh Mai