Kết hôn 3 năm không có con, vợ chồng anh Longđến Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) khám. Kết quả siêu âm ghi nhận hai bên tinh hoàn teo nhỏ bằng khoảng 1/6 kích cỡ bình thường. Xét nghiệm không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, chỉ số nội tiết tố tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng chẩn đoán anh Long thuộc nhóm vô tinh không tắc nghẽn do teo tinh hoàn.
Bác sĩ cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng phần lớn do biến chứng sau khi mắc quai bị. Virus gây bệnh khiến tinh hoàn sưng to, các tế bào mầm bên trong bị tổn thương không thể hồi phục, tế bào sinh tinh chết dần dẫn đến giảm số lượng, hình thái và khả năng hoạt động của tinh trùng, tinh hoàn xơ và teo nhỏ dần.
Theo bác sĩ Hoàng, khoảng 20-25% nam giới mắc bệnh sau tuổi dậy thì bị biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn. Trong đó, khoảng 50% trường hợp teo dần. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh lý nam, giảm ham muốn, rối loạn cương, liệt dương mà còn làm giảm tỷ lệ sinh tinh, dẫn đến vô sinh.
Nguyên nhân vô sinh này khó chữa, song người đàn ông vẫn còn cơ hội làm cha vì quá trình sinh tinh không hoàn toàn ngưng lại. "Kỹ thuật vi phẫu trích mô tinh hoàn tìm tinh trùng (micro-TESE) là phương pháp điều trị hiệu quả nhất", bác sĩ Hoàng nói. Bác sĩ sử dụng kính vi phẫu có độ phóng đại 20-30 lần để tìm tinh trùng trong những ống sinh tinh tiềm năng còn sót lại của bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hoàng, so với các phương pháp cũ, micro-TESE cho tỷ lệ tìm thấy tinh trùng rất cao với khoảng 50-60% các trường hợp vô tinh nói chung và gần 100% đối với các trường hợp vô tinh do quai bị. Kỹ thuật này còn ít gây tổn thương mô tinh hoàn, hạn chế biến chứng, cho kết quả thụ tinh ống nghiệm tương đương với tinh trùng lấy trong tinh dịch.
Sau nhiều giờ vi phẫu micro-TESE, các bác sĩ tìm thấy vài ống sinh tinh tiềm năng của bệnh nhân. Mẫu thu được chuyển đến phòng xét nghiệm để xử lý và phục vụ cho thụ tinh ống nghiệm (IVF/ICSI). Các chuyên viên phòng lab lọc rửa mẫu, soi dưới kính hiển vi đảo ngược có độ phóng đại hơn 200 lần, tìm thấy tinh trùng đủ để trữ đông.
Vợ chồng anh Long tạo được 4 phôi. Sau quá trình chuẩn bị nội mạc tử cung, bác sĩ chuyển phôi vào tử cung người vợ, giúp chị có thai ngay lần đầu. Hiện thai nhi hơn 24 tuần, phát triển khỏe mạnh. Anh Long trữ đông ba phôi còn lại để sau này sinh thêm con.
Theo bác sĩ Hoàng, viêm teo tinh hoàn thường chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn. Trường hợp viêm teo cả hai tinh hoàn như anh Long xảy ra ở khoảng 10-30% nam giới mắc quai bị.
Tình trạng viêm thường xuất hiện sau khi có biểu hiện sưng mang tai 5-10 ngày. Lúc này, bệnh nhân thường sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, tinh hoàn đau và sưng to gấp 3-4 lần bình thường, da bìu chuyển màu đỏ, mào tinh có thể sưng to. Sau 4-5 ngày, bệnh nhân có thể hết sốt nhưng tinh hoàn vẫn sưng, không hóa mủ, sau khoảng hai tuần mới hết.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, nam giới có biểu hiện của các tình trạng này sau mắc quai bị cần nghỉ ngơi tại giường, không vận động mạnh và nặng. Người bệnh nên đi khám sớm để được bác sĩ kiểm tra, đánh giá và điều trị phù hợp. Nếu teo tinh hoàn, bệnh nhân có thể cân nhắc trữ đông tinh trùng, giúp bảo tồn khả năng làm cha, tránh các cuộc phẫu thuật trong tương lai.
Trịnh Mai
* Tên nhân vật đã được thay đổi