ThS.BS.CKI Đoàn Hoàng Long, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng tích tụ quá mức chất béo trong gan và là nguyên nhân hàng đầu gây ra các ca ghép gan trên thế giới. Bệnh lý này ảnh hưởng đến khoảng 25% người trưởng thành trên thế giới.
Sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có liên quan đến việc gia tăng nồng độ axit amin homocysteine trong máu. Khi nồng độ homocysteine tăng lên, axit amin này sẽ gắn vào và thay đổi cấu trúc của các protein gan khác nhau. Axit amin này cũng cản trở hoạt động của các protein gan, bao gồm hoạt động vận chuyển và tiêu hóa chất béo, chức năng kháng viêm... Từ đó, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu phát triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Y Duke - NUS (Singapore) vừa công bố chỉ ra rằng, vitamin B12 và axit folic có khả năng giảm mức homocysteine trong gan, làm chậm tiến trình phát triển của bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu, kiểm soát tổn thương do viêm và tình trạng xơ hóa gan.
Bác sĩ Đoàn Hoàng Long cho biết, gan nhiễm mỡ không do rượu là bệnh lý chưa có thuốc đặc trị. Các phương pháp điều trị chỉ có tác dụng kiểm soát không cho bệnh phát triển mà không thể phục hồi hoàn toàn những tổn thương đã sinh ra. Nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời, bệnh lý này sẽ không ngừng phát triển và dẫn đến những hậu quả nặng nề như rối loạn chức năng gan, xơ gan và tăng nguy cơ ung thư gan. Ở giai đoạn muộn, khi chức năng gan suy giảm nặng, người bệnh có thể được chỉ định ghép gan.
Bổ sung vitamin B12 và axit folic vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày có thể giúp giảm gánh nặng bệnh tật. Thực phẩm giàu vitamin B12 có trong nội tạng động vật, thịt bò, cá hồi, trứng, ngũ cốc, sữa và các chế phẩm từ sữa... Thực phẩm giàu axit folic bao gồm cải bó xôi, súp lơ, đậu phộng, bí đao, hoa quả và nước ép trái cây...
Bác sĩ Long lưu ý, người bệnh nên bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất, không nên chỉ tập trung ăn những thực phẩm dồi dào vitamin B12 và axit folic vì có thể gây thiếu chất và phát sinh nhiều biến chứng khác. Nếu thừa vitamin B12 có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, biến chứng tim mạch, ngứa phát ban, tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt... Trong khi thừa axit folic làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển của các khối u, tăng tốc độ lão hóa của các tế bào thần kinh...
Để kiểm soát gan nhiễm mỡ không do rượu, người bệnh nên thực hiện lối sống khoa học bằng cách thường xuyên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Vận động giúp duy trì cân nặng lành mạnh, chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5-24,9. Bởi thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến gan nhiễm mỡ không do rượu.
Các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường fructose cao cần hạn chế. Người bệnh không uống rượu bia và các loại thức uống có cồn khác; dùng thuốc điều trị các bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp, rối loạn lipid máu... theo đúng chỉ định của bác sĩ. Thăm khám bác sĩ định kỳ giúp kịp thời thay đổi chế độ ăn uống, lối sống hoặc phát hiện nguy cơ biến chứng.
Phi Hồng