Ngày 7/2, ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà Hoa sốt 39 độ C, huyết áp 140/90 mmHg, mạch nhanh 110 lần/phút, SpO2 90% khí phòng (94-95% thở oxy kính 5 lít/phút), tiền sử tăng huyết áp 4 năm nay. Bác sĩ chẩn đoán bà mắc cúm A, nếu không được điều trị kịp thời có thể suy hô hấp nặng, tử vong.
Bà được bù dịch, hạ sốt, dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thở oxy, dùng khí dung, vỗ rung loãng đờm. Bà uống thêm vitamin cùng phác đồ dinh dưỡng hợp lý giúp nâng cao thể trạng. Sau điều trị 5 ngày, bà hết sốt, giảm dần thở oxy, bớt ho khan, xuất viện về nhà tiếp tục dùng thuốc.
Bác sĩ Thúy Hậu cho biết số người nhập viện và tử vong do cúm chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi. Những người này mắc cúm có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi ARDS (hội chứng suy hô hấp tiến triển nhanh). Người lớn tuổi bị cúm, kèm theo bệnh lý nền điều trị thường khó khăn, cần kết hợp hội chẩn chuyên khoa để điều trị tốt nhất.
Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy tỷ lệ ca mắc bệnh cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới.
Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ghi nhận số ca mắc cúm trước và sau Tết tăng. Tính riêng thời điểm tháng 1/2025 số ca mắc cúm tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, ca nặng phải nhập viện điều trị tăng 32%. Một tuần tính đến thời điểm ngày 5/2, số bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi phát hiện cúm tăng khoảng 31% so với tuần trước Tết. Bác sĩ Hậu lý giải do thời điểm trong và sau Tết thời tiết nóng lạnh bất thường, người di chuyển chúc Tết cùng các hoạt động vui chơi ngoài trời, đến chỗ đông người là tác nhân khiến cúm gia tăng.
Cúm là bệnh viêm đường hô hấp thường gặp vào mùa đông xuân. Người mắc cúm thường ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Biểu hiện bệnh trở nặng là môi tím tái, chân tay lạnh, tụt huyết áp... Ho ra đờm vàng hoặc xanh, sốt cao và đau ở ngực khi hít thở sâu là dấu hiệu cảnh báo viêm phổi. Khi triệu chứng kéo quá dài trên 5 ngày không giảm, người có bệnh mạn tính, tăng nặng nên đến khám.
Người mắc cúm có thể tự khỏi song một số trường hợp biến chứng nặng không được điều trị kịp thời có thể tử vong. Ngoài biến chứng viêm phổi, người mắc cúm dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, virus nguy hiểm khác. Người bệnh cúm cần vào viện ngay, không nên chủ quan trước dấu hiệu chuyển biến nặng như sốt cao liên tục, thở mệt, hụt hơi. Người mắc cúm cần uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng.
Bác sĩ Hậu cho biết nhiều người nhầm lẫn cảm thông thường với bệnh cúm, nhập viện trễ khi tình trạng bệnh tiến triển nặng. Virus cúm có tỷ lệ biến đổi gene khá cao, khi virus nhân lên có những sai sót ở hệ thống gene, do đó không nên chủ quan.
Virus cúm có thể lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc bề mặt. Mỗi người nên thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà phòng tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng. Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm, vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng. Bác sĩ Hậu khuyến cáo nhóm người lớn tuổi, bệnh nền nên tiêm phòng cúm sớm và tiêm nhắc lại hàng năm.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |