Trả lời:
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm ở lớp niêm mạc của ống phế quản. Người bệnh thường có triệu chứng ho, khạc đờm, cảm giác mệt mỏi, sốt, tức ngực, khó thở. Bệnh được phân loại thành viêm phế quản cấp tính và mạn tính.
Viêm phế quản cấp tính thường khởi phát sau đợt viêm đường hô hấp do nhiễm virus như cảm lạnh, cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) hoặc virus Covid-19... Trong một số trường hợp, người bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm.
Viêm phế quản mạn tính thường xảy ra đồng thời với khí phế thũng và hen suyễn ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Một số tác nhân thường gặp như hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá (còn gọi là hút thuốc lá thụ động), người cao tuổi, tiếp xúc với khói bụi do môi trường ô nhiễm hoặc hóa chất độc hại. Tiền sử bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn, xơ nang, ứ trệ phế quản... cũng là nguyên nhân.
Viêm phế quản có lây hay không còn tùy thuộc vào loại viêm phế quản mà người bệnh mắc phải. Nếu là viêm phế quản cấp tính, bệnh có thể lây lan do sự hiện diện của virus trong dịch nhầy, đờm của người bệnh. Chúng có khả năng lây truyền từ người này sang người khác và tấn công vào trong đường hô hấp, nhất là với người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh nền như hen suyễn, ung thư, đột quỵ...
Dù viêm phế quản mạn tính không lây nhiễm nhưng đường thở của người bệnh thường bị viêm kéo dài và dễ tái phát thường xuyên. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh COPD hoặc nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, ung thư phế quản, ung thư phổi, lao phổi.
Để chẩn đoán bệnh viêm phế quản, người bệnh cần khám tại chuyên khoa hô hấp hoặc nội tổng quát. Dựa trên kết quả khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp như chụp X-quang kỹ thuật số treo trần cao cấp, chụp CT 1975 lát cắt và 768 lát cắt, đo chức năng hô hấp, các xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm, nội soi phế quản bằng ống mềm... Tùy tình trạng, cơ địa người bệnh và bệnh nền kèm theo, bác sĩ có thể điều trị theo phác đồ đa mô thức trên từng cá thể hóa nhằm mang đến hiệu quả cao, an toàn.
Để ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ lây lan của bệnh viêm phế quản cấp, người bệnh và người xung quanh nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh viêm phế quản hoặc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Hạn chế tiếp xúc gần với người bị viêm phế quản, nhất là khi họ có dấu hiệu ho nhiều hoặc hắt hơi.
Mỗi người nên tránh xa khói thuốc lá, hạn chế hoặc không đến nơi xảy ra ô nhiễm môi trường. Tập luyện hoặc vận động dưới ánh nắng mặt trời với cường độ, thời gian phù hợp. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc họng, rửa mũi bằng nước muối. Tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ mắc hoặc giảm nhẹ triệu chứng bệnh đường hô hấp như cảm cúm, phế cầu, hợp bào hô hấp, ho gà.
Mỗi người nên khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1-2 lần mỗi năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lý mắc phải để tư vấn, điều trị phù hợp.
BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm
Trưởng Đơn vị Nội tổng hợp
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |