Mẹ em bị viêm khớp dạng thấp nhiều năm, gần đây bị đau khớp háng nhiều hơn. Mẹ em có sử dụng một số loại thuốc Bắc nhưng không đỡ, đi khám thì bác sĩ chuẩn đoán nên thay khớp gối bán phần vì chõm xương đùi đã biến dạng. Mẹ em có nên thay khớp không vì nghe phẫu thuật đã rất sợ?
Trả lời:
Như bạn miêu tả, mẹ của bạn đã bị viêm khớp dạng thấp lâu năm, có thể trong quá trình điều trị không được liên tục, bài bản nên khớp háng đã bị tổn thương.
Tổn thương khớp háng tức là phần xương ở chõm xương đùi bị kém nuôi dưỡng. Quá trình viêm khớp dạng thấp làm tổn thương các mạch máu ở trong cổ xương đùi, làm chõm xương đùi bị xẹp. Từ đây, ngoài đau do tổn thương ở mặt sụn, mẹ của bạn còn đau là do tư thế cơ thể đè lên khớp háng khi vận động. Trường hợp này nên thay khớp háng vì cần thiết. Khi bác sĩ đã có chỉ định thay khớp, bệnh nhân cũng nên tin tưởng và không nên quá băn khoăn.
Lưu ý sau khi thay khớp háng xong, bệnh nhân vẫn phải điều trị viêm khớp dạng thấp, vì đây là bệnh mang tính chất có hệ thống, toàn thân. Có nhiều trường hợp khi mắc viêm khớp dạng thấp, người bệnh bị tàn phá khớp gây tàn phế, làm người bệnh giảm chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, bệnh còn gây tổn thương mạch máu, tim; gây xơ phổi... Ví dụ tiêu chõm xương đùi ngoài tổn thương ở xương còn tổn thương ở mạch máu, gây ra bệnh lý về tim mạch như tim, xơ phổi...
Nhiều bệnh nhân cơ xương khớp không tử vong do bệnh xương khớp mà lại vì các bệnh lý khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Có trường hợp bệnh nhân xương khớp điều trị không khoa học dẫn đến phải can thiệp mạch vành. Điều trị viêm khớp dạng thấp là việc lâu dài. Bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ để quản lý bệnh, giúp bệnh nhân sống chung an toàn với bệnh.
Với kỹ thuật hiện đại như hiện nay, việc thay khớp khá đơn giản, quá trình phẫu thuật bệnh nhân được xâm lấn tối thiểu, hồi phục cũng khá nhanh, có trường hợp 2-3 ngày đã xuất viện.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Hoa
Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội