Hầu hết mọi người nghĩ rằng chỉ người lớn mới có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, trẻ nhỏ vẫn có thể là đối tượng bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này. Ước tính có hơn 50.000 trẻ em Mỹ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở những trẻ em có độ tuổi từ 16 tuổi trở xuống. Đây là một dạng rối loạn tự miễn dịch. Khi mắc cơ chế này, hệ miễn dịch trong cơ thể sẽ không phân biệt được dị nguyên với các tế bào hoặc mô khỏe mạnh của cơ thể; từ đó tấn công lên chính các mô của cơ thể và gây nên hiện tượng viêm nhiễm hay sưng tấy tại các đầu xương, khớp.
![Trẻ đi khập khiễng vào buổi sáng hoặc chân đau nhức là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/26/unnamed-38-8640-1650942014.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tetTMITUe_LOQdALCGEBiw)
Trẻ đi khập khiễng vào buổi sáng hoặc chân đau nhức là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp. Ảnh: Freepik
TS Rajkiran Dudam, bác sĩ thấp khớp cấp cao thuộc Trung tâm Thấp khớp học Hyderabad (Ấn Độ), cho biết bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ có các triệu chứng ban đầu như viêm khớp thông thường. Nếu không chữa trị sớm bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như các vấn đề về tăng trưởng, tổn thương khớp, bệnh viêm màng bồ đào hoặc viêm mống mắt.
Dấu hiệu nhận biết
Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên có thể gây đau, sưng và cứng khớp dai dẳng. Một số trẻ có thể gặp các triệu chứng chỉ trong vài tháng, trong khi những trẻ khác có các triệu chứng trong nhiều năm.
Đi khập khiễng là một trong những dấu hiệu đầu tiên mà cha mẹ có thể nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ. Theo các nhà khoa học, bé thường đi khập khiễng vào buổi sáng hoặc sau khi ngủ trưa. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể nhận thấy một số bất thường khác ở trẻ như giảm thị lực, sưng khớp đầu gối, bé vụng về hơn bình thường hoặc sốt cao và sưng hạch bạch huyết.
Có ba loại viêm khớp dạng thấp ở trẻ:
Viêm khớp đa khớp: Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em được phân loại vào nhóm viêm đa khớp, khi có trên 5 khớp bị tổn thương. Nó ảnh hưởng đến các khớp nhỏ như ở bàn tay cũng như các khớp chịu trọng lượng như đầu gối, hông, mắt cá chân, bàn chân và cổ.
Viêm ít khớp: Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em ảnh hưởng đến ít hơn 4 khớp được xếp vào thể viêm ít khớp. Đây là thể bệnh phổ biến nhất và thường xuất hiện ở các bé gái dưới 8 tuổi. Thể bệnh này sẽ gây ảnh hưởng đến các khớp lớn, chẳng hạn như đầu gối.
Bên cạnh đó, cơ quan ngoài khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thể viêm ít khớp là mắt, chiếm khoảng 20% đến 30% trong tổng số các trường hợp. Nhiều trẻ mắc thể bệnh này sẽ không còn các biểu hiện viêm khớp khi lớn nhưng các biến chứng tại mắt vẫn tiếp diễn.
Viêm khớp toàn thân: Đặc trưng của bệnh là các triệu chứng như sốt, nổi ban đỏ, rối loạn chức năng tim, gan, lách và hệ bạch huyết. Một tỷ lệ nhỏ trong số trẻ em này bị viêm khớp ở nhiều khớp và có thể bị viêm khớp nặng kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Cách giảm cơn đau
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp ở trẻ em và người lớn là sẽ cơ thể trẻ sẽ phát bệnh nhanh hơn và biến mất khi đến tuổi trưởng thành. Trong khi đó, người lớn thường có các triệu chứng suốt đời. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo, viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương cũng như sự tăng trưởng của trẻ.
Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, các cha mẹ nên khuyến khích trẻ cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi hợp lý. Điều này sẽ giúp trẻ giảm thiểu các cơn đau hoặc cứng khớp khi thức dậy vào buổi sáng. Về chế độ tập luyện, nhiều nghiên cứu cho thấy bơi lội có thể giúp kéo giãn nhiều cơ và gân khác nhau và giúp trẻ vận động linh hoạt hơn.
Huyền My (Theo Indian Express, WebMD)