Viêm họng hạt là tình trạng niêm mạc họng bị viêm mạn tính, khiến các mô lympho thành sau họng sưng lên, tạo thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở niêm mạc họng. Kích thước của những hạt này có thể to nhỏ khác nhau, từ bằng đầu đinh ghim đến hạt đậu. Viêm họng hạt xuất hiện ở mọi đối tượng, lứa tuổi, phổ biến ở những người có sức đề kháng yếu, cơ thể suy nhược. Viêm họng hạt được chia thành hai thể là cấp tính và mạn tính.
Viêm họng hạt cấp tính: Thời gian đầu, viêm họng hạt ít gây phiền toái cho người bệnh, dẫn tới chủ quan, bỏ qua hoặc tự mua thuốc điều trị.
Viêm họng hạt mạn tính: Người bệnh bị viêm họng hạt cấp tính không được điều trị đúng cách dẫn tới bệnh kéo dài, khiến việc điều trị khó khăn, dễ tái phát.
Nguyên nhân và triệu chứng
Theo ThS.BS Dương Đình Lương, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh viêm họng hạt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.
Sự tấn công của các tác nhân gây hại: Khoang miệng là nơi thường xuyên tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Khi có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ tấn công, gây viêm nhiễm. Thông thường, virus sẽ tấn công trước, sau đó, vi khuẩn và nấm tiếp tục xâm nhập theo, gây bội nhiễm. Điều này khiến các tế bào lympho tại vùng họng phải làm việc liên tục, quá tải và sưng to.
Biến chứng bệnh lý: Viêm họng hạt có thể là biến chứng của viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng cấp tái phát nhiều lần, viêm amidan mạn tính hoặc các bệnh đường tiêu hóa như trào ngược họng thanh quản...
Bất thường trong giải phẫu cấu trúc mũi xoang: Polyp mũi, lệch vẹo vách ngăn...
Môi trường sống ô nhiễm: Việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, khói bụi, khói thuốc lá... hoặc thời tiết thất thường cũng là những yếu tố nguy cơ.
Lối sống không lành mạnh: Lạm dụng rượu bia, đồ ăn cay nóng, vệ sinh răng miệng kém... cũng góp phần kích thích cổ họng và tạo điều kiện để các tác nhân xấu xâm nhập, gây viêm nhiễm.
Yếu tố cơ địa, di truyền: Các yếu tố cơ địa nhạy cảm, một số bệnh di truyền, miễn dịch cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị viêm họng hạt.
Viêm họng hạt gây ra các triệu chứng đáng chú ý như khô và ngứa họng, thường phải tằng hắng hay khạc ra để bớt ngứa; xuất hiện các hạt đỏ hoặc hồng ở cổ họng, lồi cao hơn so với niêm mạc xung quanh. Người bệnh còn cảm thấy nuốt khó, nuốt đau, thậm chí khi nuốt nước bọt; ho khan, ho có đờm; có thể sốt cao trên 38 độ; cổ nổi hạch, cứng, đau; mệt mỏi, chán ăn.
Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán viêm họng hạt, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và thời gian khởi phát bệnh, sau đó tiến hành khám tai mũi họng của bệnh nhân. Các biểu hiện thực thể của viêm họng hạt tương đối rõ ràng, do đó, bác sĩ có thể xác định được tình trạng bệnh thông qua thăm khám lâm sàng.
Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định nội soi thanh quản người bệnh để quan sát niêm mạc họng chi tiết hơn, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác. Trường hợp nghi ngờ viêm họng hạt kéo theo các viêm nhiễm thuộc đường hô hấp dưới hoặc ảnh hưởng các cơ quan khác, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện chụp X-quang phổi, CT-scan, MRI...
Tùy vào nguyên nhân và tình trạng viêm họng hạt, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh.
Bác sĩ Lương cho biết, nếu viêm họng hạt là biến chứng của một bệnh lý khác như viêm xoang mạn, viêm mũi, viêm amidan, trào ngược dạ dày thực quản..., bác sĩ sẽ ưu tiên xử trí các bệnh lý này trước. Khi nguyên nhân gây bệnh được loại bỏ, triệu chứng viêm họng hạt cũng thuyên giảm và biến mất.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp giảm các triệu chứng khó chịu do viêm họng hạt gây ra bao gồm các loại thuốc giảm ngứa họng, giảm ho, tiêu đờm, hay loại giảm đau, hạ sốt... Các chế phẩm hỗ trợ điều trị như nước súc họng, dung dịch rửa mũi...
Bác sĩ Lương nhấn mạnh, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về liều dùng của thuốc. Tuyệt đối không tự ý bỏ ngang hoặc thay đổi liều lượng để tránh tình trạng kháng thuốc hoặc bệnh không được điều trị dứt điểm, dễ tái phát. Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng có thể áp dụng một số cách hỗ trợ điều trị tại nhà như:
Súc miệng bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn và làm dịu cơn đau họng.
Uống nhiều nước ấm để cổ họng bớt khô và giúp loãng đờm.
Sử dụng mật ong pha với nước ấm, mật ong ngâm chanh đào, tỏi ngâm mật ong... góp phần giúp diệt khuẩn, kháng viêm, làm dịu cổ họng và dễ long đờm.
Nghỉ ngơi, hạn chế nói to, nói nhiều trong thời gian dài.
Tránh dùng chất kích thích và bỏ hút thuốc lá để quá trình phục hồi nhanh chóng hơn và phòng bệnh tái phát.
Phòng ngừa
Viêm họng hạt có thể phòng ngừa bằng những biện pháp sau:
Điều trị dứt điểm viêm họng và các bệnh lý vùng mũi - xoang, hô hấp, đường tiêu hóa trên, tránh để bệnh kéo dài dai dẳng dẫn đến viêm họng hạt. Những người có hệ miễn dịch kém nên tiêm vaccine để phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách, thường xuyên súc miệng với nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn.
Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, hợp lý; luyện tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe.
Bỏ thuốc lá, tránh rượu bia, chất kích thích và các loại đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Giữ ấm cổ và cơ thể, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh.
Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với hóa chất và khói bụi. Nếu thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, cần sử dụng đồ bảo hộ lao động đúng cách để bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ Lương chia sẻ thêm, viêm họng hạt không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị càng sớm, khả năng chữa khỏi càng cao. Do đó, khi có các biểu hiện của bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Dung Nguyễn