Viêm gan D là tình trạng viêm gan do virus viêm gan D (HDV) gây ra. Loại virus này dựa vào vỏ bọc của virus viêm gan B (HBV) (kháng nguyên bề mặt HBV, HBsAg) để hình thành các hạt HDV truyền nhiễm.
ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đồng nhiễm HDV - HBV là dạng viêm gan siêu vi mạn tính nghiêm trọng nhất, chiếm khoảng 13% trong tổng số trường hợp nhiễm virus viêm gan B. Mục tiêu điều trị là loại bỏ đồng nhiễm và ngăn ngừa biến chứng.
"Viêm gan D diễn tiến rất nhanh, nguy cơ cao chuyển thành xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan, dẫn đến tử vong", bác sĩ Ngân nói, thêm rằng hiện chưa có biện pháp điều trị dứt điểm viêm gan D mạn tính. Một số loại thuốc có tác dụng ức chế quá trình nhân lên của HDV.
Nguy cơ suy gan tối cấp (suy gan cấp tính) cao nếu một người đồng thời dương tính với kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) và HDV (gọi là bội nhiễm). Khoảng 80-90% số ca bội nhiễm trở thành viêm gan mạn tính, nguy cơ cao dẫn đến xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
Theo bác sĩ Ngân, người nhiễm virus viêm gan D cấp tính cần được theo dõi ít nhất trong vòng 6 tháng để xác định khả năng tiến triển thành HBV và HDV mạn tính.
Người bệnh cần sinh thiết gan để xác định giai đoạn bệnh trước khi bắt đầu điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa ra. Theo dõi sát sao nồng độ HDV RNA và kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) trong quá trình điều trị.
Khi người bệnh không thể ăn uống, bác sĩ chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Viêm gan D chỉ xuất hiện ở người bị viêm gan B. Bác sĩ Ngân cho biết phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm phòng viêm gan B từ sớm, giúp hạn chế từ 80% trở lên khả năng mắc bệnh. Thời điểm tiêm ba mũi vaccine viêm gan B được khuyến nghị gồm mũi một trong vòng 24 giờ sau khi sinh, mũi hai tiêm sau mũi đầu tiên một tháng và mũi ba tiêm 5 tháng sau mũi thứ hai, 6 tháng sau mũi đầu tiên.
Bác sĩ Ngân cũng khuyến khích xét nghiệm chỉ số kháng thể viêm gan B và viêm gan D định kỳ 5 năm một lần, tiêm mũi nhắc nếu kháng thể giảm. Các phương pháp phòng ngừa khác gồm hạn chế uống rượu bia và dùng thức ăn nhanh, không dùng chung đồ cá nhân hoặc tái sử dụng kim tiêm.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |