Viêm gan làm suy giảm chức năng gan; do các virus viêm gan A, B, C, D, E.. gây nên. ThS.BS CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chủng viêm gan phổ biến nhất là viêm gan siêu vi A, B và C. Ba loại này đều dễ lây lan, con đường lây nhiễm, mức độ nguy hiểm, khả năng kiểm soát và điều trị khác nhau.
Viêm gan siêu vi B và C có khả năng lây nhiễm cao, gây ra biến chứng nguy hiểm. Trong đó, viêm gan B nguy hiểm nhất, dù đã có vaccine phòng bệnh. Virus viêm gan B và C thường ít biểu hiện triệu chứng rõ ràng, nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Ngân dẫn nghiên cứu cho thấy 90% người trưởng thành nhiễm virus viêm gan B tự khỏi bệnh, tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% viêm gan B tiến triển thành mạn tính, có thể dẫn đến viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan. Hiện chưa có thuốc chữa dứt điểm viêm gan B, điều trị chỉ kiểm soát virus.
Viêm gan C chưa có vaccine phòng ngừa nhưng đã có thuốc điều trị. Người bệnh viêm gan cần tuân thủ theo phác đồ điều trị, thường xuyên làm các xét nghiệm để kiểm tra, theo dõi và kiểm soát bệnh tốt nhất.
Virus viêm gan A lây qua đường ăn uống do thực phẩm bẩn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, được tìm thấy trong phân của người bệnh. Loại virus này ít gây rủi ro nhất vì thường tự khỏi sau thời gian nhất định.
Virus viêm gan B lây qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Virus viêm gan C có đường lây nhiễm tương tự, nhưng bệnh không biểu hiện cấp tính mà chuyển sang mạn tính, khi đã diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan.
Virus viêm gan siêu vi D không hoàn chỉnh, không thể hoạt động độc lập và gây bệnh mà phải đồng nhiễm với viêm gan B, có xu hướng làm cho tình trạng trở nên nặng hơn. Phòng ngừa viêm gan D bằng cách tiêm vaccine phòng viêm gan B.
Virus viêm gan E có đường lây nhiễm tương tự như virus viêm gan A, được tìm thấy trong phân, mật của người bệnh và được bài tiết ra ngoài theo phân. Bệnh diễn tiến lành tính, không tái nhiễm. Phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan E có nguy cơ cao tiến triển thành viêm gan ác tính, tỷ lệ tử vong cao. Hiện, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh.
Dấu hiệu của bệnh viêm gan virus thường là mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, chán ăn... Phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm. Người có những triệu chứng trên nên đi khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Ngân khuyên mọi người nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng, cần tiêm vaccine, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây, không dùng chung kim tiêm, đồ dùng cá nhân, quan hệ tình dục an toàn, ăn chín uống sôi để hạn chế mắc bệnh. Xây dựng lối sống lành mạnh gồm hạn chế rượu bia, kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi đầy đủ, duy trì chế độ tập luyện, kiểm soát cân nặng, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp. |