Tuy là loại hình luyện tập đơn giản nhưng chạy bộ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương, đặc biệt là khi tập luyện sai kỹ thuật. Người chạy rất dễ bị chấn thương đầu gối, đặc biệt là vùng gân xương bánh chè.
Xương bánh chè là đoạn xương nhỏ nằm trước khớp gối. Xương có thể di chuyển lên, xuống, nghiêng và xoay. Chức năng của xương là giúp chân di chuyển, đứng thẳng bằng cách giảm áp lực lên khớp gối. Xương bánh chè liên kết các xương và mô ở khớp gối bằng gân bánh chè. Gân bánh chè được tạo từ các sợi cơ bền và dai nên rất chắc khỏe, giúp duỗi thẳng cơ đùi, bắp chân khi vận động.
Theo ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà, khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nếu khớp gối hoạt động liên tục hoặc người chạy không khởi động kỹ, gân bánh chè có thể bị sưng tấy, gây đau do viêm. Lâu dần, căng thẳng lặp đi lặp lại ở khớp gối có thể tạo ra các vết rách nhỏ ở gân, khiến gân viêm nặng và suy yếu. Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ viêm gân bánh chè như tuổi tác (độ tuổi trung niên), mắc các bệnh lý xương khớp mạn tính, có đặc điểm giải phẫu bất thường (có xương bánh chè nâng lên cao hoặc chân bị lệch trục), thừa cân và béo phì.
Khi bị viêm gân bánh chè, người chạy sẽ bị đau âm ỉ ở trước gối. Cơn đau liên tục, dữ dội sau đó giảm dần rồi lại tăng lên. Triệu chứng nghiêm trọng hơn khi vận động, gấp duỗi chân như leo cầu thang, ngồi xổm... Đầu gối bị căng cứng, khó mở rộng.
Điều trị và phòng tránh viêm gân bánh chè ở người chạy bộ
Tùy theo mức độ vận động và thói quen hằng ngày, viêm gân bánh chè có thể phát triển theo hai hướng tự khỏi hoặc chuyển sang mạn tính. Việc chủ quan trong điều trị có thể dẫn tới các biến chứng nặng như đứt gân bánh chè, đứt gân cơ tứ đầu, suy yếu cơ chân, đau gối mạn tính. Vì thế, nếu xuất hiện tình trạng sưng tấy và phù nề ở gối, cơn đau không giảm hay trở nặng hơn, ảnh hưởng lớn tới khả năng đi lại, bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Để xác định tổn thương gân bánh chè, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng thông qua việc xác định vị trí tổn thương, đồng thời chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán như chụp X-quang (loại trừ các vấn đề về xương có thể gây đau gối), chụp MRI và siêu âm (kiểm tra tình trạng gân và phát hiện tổn thương ở mô mềm).
Theo ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà, phần lớn trường hợp viêm gân bánh chè chỉ cần điều trị bảo tồn. Người bệnh thường được chỉ định sử dụng những thuốc giảm đau như ibuprofen, naproxen. Ngoài ra, bác sĩ có thể hướng dẫn một số bài tập để cải thiện tình trạng đau nhức như:
- Bài tập giãn cơ giúp cải thiện tình trạng co thắt cơ. Lưu ý khi tập không nên thực hiện động tác quá nhanh hoặc đột ngột.
- Bài tập nâng cao sức cơ giúp tăng cường sức mạnh ở các cơ vùng chân, rất hữu ích cho quá trình điều trị viêm gân bánh chè. Vì cơ đùi yếu sẽ tạo nhiều áp lực lên gân xương bánh chè.
Nếu cơn đau vẫn không thuyên giảm ngay cả khi nghỉ ngơi, bác sĩ có thể hướng dẫn sử dụng băng đeo bảo vệ gân xương bánh chè. Thiết bị hỗ trợ này sẽ phân tán lực ra khỏi gân, truyền lực vào dây đeo, qua đó giúp giảm đau vùng gối khi cử động.
Các trường hợp viêm gân bánh chè rất hiếm được chỉ định điều trị phẫu thuật. Phương pháp này thường áp dụng cho các trường hợp có biến chứng đứt gân hoặc đã điều trị bảo tồn nhưng không hiệu quả, tình trạng đau vẫn kéo dài, gây cản trở tới hoạt động hằng ngày.
ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà khuyến cáo để phòng ngừa viêm gân bánh chè, người chạy cần dừng ngay những hoạt động gây đau gối, chườm lạnh tại khu vực tổn thương và nghỉ ngơi. Chỉ khi cơn đau hoàn toàn biến mất mới nên quay trở lại tập luyện. Ngoài ra, trước khi vào bài tập chính, nên thực hiện các bài tập giãn cơ để giúp tăng tính đàn hồi cho cơ và gân, giảm nguy cơ chấn thương. Khi chạy cần lưu ý thực hiện đúng kỹ thuật tập như về tư thế chạy, nhịp thở, cách tiếp đất...
Trúc Anh