Người bị viêm khớp được khuyến nghị hạn chế ăn một số thực phẩm chứa chất gây viêm, trong đó có đường. Nhóm nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng tại Đại học Thấp khớp Mỹ cho biết ăn đường quá nhiều hay ăn thường xuyên làm tăng các vấn đề viêm trong cơ thể. Thói quen ăn uống này còn gây các bệnh khác.
Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người trưởng thành có thể ăn một lượng đường dưới 10% tổng lượng calo mỗi ngày. Ví dụ, chế độ ăn 2.000 calo có thể có tối đa 200 calo (khoảng 68 gram) đường.
Mối liên hệ giữa đường và viêm khớp
Nhóm nghiên cứu Đại học Thấp khớp Mỹ cho hay các đồ uống như soda có đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm mạn tính. 24% người mắc viêm khớp dạng thấp tham gia nghiên cứu cho biết các món tráng miệng và nước ngọt khiến bệnh tình trở nặng. Trong khi đó, bệnh của họ có dấu hiệu cải thiện sau khi ăn 20 loại thực phẩm, gồm quả việt quất và rau bina. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Viện dinh dưỡng Mỹ cho thấy, uống soda có đường thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ.
Với bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa khớp, chế độ ăn nhiều thực phẩm có đường và chất béo làm tăng chứng viêm và gây béo phì. Bệnh nhân gout cũng nên cân nhắc hạn chế chế độ ăn uống có đường fructose như nước cam và soda. Các thức uống này có thể tạo ra các tinh thể monosodium urate tích tụ trong khớp, mô và chất lỏng bên trong cơ thể khiến bệnh thêm nghiêm trọng.
Do đó, người bệnh viêm khớp nên kiểm tra thành phần dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Theo tạp chí Harvard Health, khi đọc bao bì, những thành phần kết thúc bằng "ose" chính là thành phần chứa đường. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến "đường ẩn" có sẵn trong một số thực phẩm phổ biến như nước sốt mì ống, sản phẩm thay thế sữa, nước sốt cà chua, sốt các loại salad, bột yến mạch đóng gói, ngũ cốc, bánh mì, súp đóng hộp và sữa chua.
Cách cắt giảm đường
Tổ chức Thấp khớp Anh khuyến cáo người bệnh nên giảm ăn đường, tăng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và vitamin A, C, E trong chế độ ăn uống như hoa quả và rau, protein dạng nạc, các loại đậu, các loại hạt, đồ uống không đường và uống đủ nước. Những thực phẩm này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng và sự tiến triển của bệnh viêm khớp.
Ban đầu, người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi thay đổi chế độ ăn uống, do đó hãy thay đổi từ từ và kiên trì, bắt đầu từ việc chọn những thực phẩm có đường tự nhiên. Người bệnh nên thay thế món bánh tráng miệng bằng trái cây ngọt như xoài hoặc dưa hấu, ăn ít dần những phần ăn tráng miệng và đồ ngọt.
Một số loại nước soda ăn kiêng có chất làm ngọt ít calo. Đây là chất làm ngọt nhân tạo chứa ít hoặc không chứa calo. Có 5 chất làm ngọt nhân tạo được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt dùng trong bữa ăn của bệnh nhân viêm khớp là saccharin, acesulfame, aspartame, neotame và sucralose. Tuy nhiên, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa vào thực đơn.
Nhìn chung, ăn đường có nhiều rủi ro cho sức khỏe, gây tăng viêm sưng khớp, tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch. Có rất nhiều loại đường bổ sung không rõ nguồn gốc trong thực phẩm, do đó, người dùng nên kiểm tra thành phần để tính được lượng đường đang nạp vào cơ thể.
Mai Chi
(Theo Verywell Health, Medical News Today)