Cảm giác nóng rát chân thường xuất hiện khi chạy bộ ở nửa chặng hoặc cuối đường chạy. Tình trạng này thường gặp ở mu bàn chân, mắt cá, cẳng chân. Trong một vài trường hợp còn kèm theo châm chích, tê, ngứa ran. Dưới đây là các nguyên nhân.
Mang giày chật
Chọn giày đúng kích cỡ giúp hạn chế chấn thương, hỗ trợ vòm chân khi chạy bộ. Giày chật khiến không khí khó lưu thông, ma sát nhiều giữa chân và giày, tạo áp lực lên các dây thần kinh ở ngón chân, dẫn đến nóng rát, ngứa ran.
Nên chọn giày thể thao có mũi rộng, tròn và được trang bị đệm hỗ trợ. Khi mang giày, tránh buộc dây quá chặt vì dễ cản trở quá trình lưu thông máu hoặc kích thích các dây thần kinh ở mu bàn chân.
Hình dáng bàn chân
Chân vòm cao (lõm cao) là kiểu bàn chân có lòng cao, tiết diện tiếp xúc giữa bàn chân với mặt phẳng rất ít. Kiểu chân này khi chạy bộ dễ bị nóng rát ở khớp ngón chân cái và ngón út vì phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, người có bàn chân bẹt cũng dễ bị nóng rát ở lòng bàn chân khi chạy bộ, chấn thương nếu vận động quá mức.
Viêm cân gan chân
Cân gan bàn chân là dải gân cơ bám từ các chỏm xương bàn tới xương gót, giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý của bàn chân. Khi bị viêm, khu vực từ gót chân đến lòng bàn chân của người bệnh đau dữ dội sau mỗi buổi sáng hoặc khi đi bộ và vận động nhiều.
Chạy cường độ cao
Chạy với cường độ cao tạo dễ áp lực lớn lên một vị trí nhất định trên bàn chân. Cuối cùng, chúng phát triển thành những điểm nóng, mềm và có màu đỏ. Người không khởi động trước khi chạy, cơ bắp dễ bị căng cứng và không linh hoạt. Điều này dẫn đến áp lực lên dây thần kinh ở bàn chân.
Nấm kẽ chân
Nấm kẽ chân thường làm da bong tróc, nứt nẻ và ngứa ở lòng bàn chân hoặc giữa các ngón chân. Để phòng tránh, nên thay giày thường xuyên và không mang giày khi chúng chưa khô hoàn toàn. Rửa chân hàng ngày bằng xà phòng và lau khô. Mang vớ làm bằng vải tự nhiên hoặc vải khô nhanh.
Huyền My (Theo Verywell Fit)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |