Bàn tay bị yếu đi hoặc mất khả năng cầm nắm có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong công việc hằng ngày. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bàn tay trở nên yếu đi, các triệu chứng kèm theo và cách điều trị:
U nang hạch
Nang hạch là những túi chứa chất lỏng nằm gần khớp hoặc gân. Theo Học viện Phẫu thuật chỉnh hình Mỹ (AAOS), u nang hạch là khối u xuất hiện phổ biến ở bàn tay, thường ở mặt sau cổ tay. Dù không nguy hiểm nhưng u nang hạch đôi khi có thể gây áp lực lên dây thần kinh, gây yếu cơ, ngứa ran và đau.
U nang hạch thường không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu gây đau hoặc mất thẩm mỹ có thể lựa chọn các cách điều trị như: nẹp cổ tay để giúp giảm các triệu chứng, chọc hút để loại bỏ chất lỏng từ u nang, cắt bỏ hoặc dùng thuốc giảm đau không kê đơn nếu u nang gây khó chịu.
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng chèn ép các dây thần kinh bên trong cổ tay hoặc các mô xung quanh gân cơ gấp gây ra tình trạng sưng đau, ngứa ran và tê ở bàn tay. Người bệnh cũng có thể nhận thấy như đang đánh rơi đồ vật do tay bị yếu và tê. Đây là ảnh hưởng giai đoạn cuối của hội chứng ống cổ tay. Theo AAOS, hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân chẳng hạn như tay hoạt động quá nhiều, mang thai và một số tình trạng sức khỏe.
Dùng thuốc giảm đau và chống viêm, nẹp cổ tay, thay đổi thói quen làm việc ở bàn tay, bài tập vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật...
Viêm khớp tay
Theo AAOS, có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau. Viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp là hai loại phổ biến nhất. Viêm khớp cũng có thể tấn công các khớp ở tay, gây ra các triệu chứng như đau đớn, sưng tấy, giảm phạm vi chuyển động xung quanh khớp bị ảnh hưởng... Dùng thuốc chống viêm, thuốc tiêm, nẹp, phẫu thuật hoặc thay thế khớp...
Mất cơ bắp do lão hóa
Sarcopenia là tình trạng mất cơ bắp và khối lượng cơ xảy ra do quá trình lão hóa. Tình trạng này cũng gây ra yếu cơ và mất các chức năng cơ, giảm sức mạnh bàn tay. Các triệu chứng điển hình có thể kể đến như: tay yếu, khó leo cầu thang, giảm sức bền, giảm kích thước cơ bắp..
Cách điều trị chủ yếu thiên về việc ngăn ngừa và quản lý tình trạng bệnh thông qua điều chỉnh các hoạt động thể chất như rèn luyện sức đề kháng. Cách này cũng giúp cải thiện sức mạnh và giảm mất cơ.
Bệnh thần kinh ngoại biên
Theo Viện nghiên cứu Thần kinh và Đột quỵ Mỹ (NINDS), bệnh thần kinh ngoại biên có thể phát triển do tổn thương các dây thần kinh ngoại vi. Có hơn 100 loại bệnh thần kinh ngoại vi khác nhau, các bệnh ảnh hưởng tới bàn tay bao gồm: tổn thương dây thần kinh vận động gây ra yếu cơ, chuột rút, co giật cơ và tổn thương dây thần kinh cảm giác: khiến bàn tay bị mất cảm giác, gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Cách điều trị tùy tình trạng và loại bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị khác nhau trong đó có thể kể tới như nẹp khớp, dùng thuốc giảm đau...
Bệnh đa xơ cứng
Đa xơ cứng (MS) là tình trạng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Theo NINDS, đa số người bị chứng đa xơ cứng đều bị yếu cơ ở tứ chi, bị tê và cảm giác kim châm. Sử dụng thuốc và vật lý trị liệu là phương pháp điều trị chủ yếu khi bị MS.
Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra do sự tắc nghẽn nguồn máu cung cấp máu cho não hoặc khi mạch máu trong não bị vỡ. Đột quỵ cũng có thể gây tê hoặc yếu ở cánh tay, mặt hoặc chân đặc biệt là ở một bên của cơ thể.
Việc điều trị phụ thuộc vào loại đột quỵ, tuy nhiên, cần thăm khám nếu bị yếu đột ngột ở một hoặc cả hai tay. Bác sĩ có thể chẩn đoán và đề xuất phương pháp điều trị dựa trên tình trạng cơ bản gây ra tình trạng yếu tay.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today)