Trả lời
Vi khuẩn HP (helicobacter pylori) có khả năng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt của dạ dày, nơi nồng độ axit rất cao. Vi khuẩn tồn tại ở lớp chất nhầy của niêm mạc dạ dày âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng. Một số người nhiễm HP có thể gặp triệu chứng đường tiêu hóa trên như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, chán ăn...
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vi khuẩn HP có thể gây viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng. Khả năng vi khuẩn HP gây ung thư rất thấp và ít gặp. Vi khuẩn HP có hơn 200 chủng khác nhau, trong đó chỉ có một số chủng mang gene có độc tố cao mới có khả năng dẫn đến ung thư. Loét dạ dày, tá tràng, viêm teo dạ dày nặng do vi khuẩn HP cần điều trị sớm nhằm ngăn ngừa các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.
Hiện, tỷ lệ người Việt Nam nhiễm vi khuẩn này cao. HP tồn tại trong nước bọt, mảng bám chân răng, khoang miệng của người bệnh, dịch dạ dày. Do đó, vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người này sang người khác qua ăn uống, dùng chung bát đũa, hôn nhau trực tiếp...
Ngoài ra, vi khuẩn này còn tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây truyền qua đường phân miệng nếu không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. HP ở dạ dày có thể lây nhiễm chéo trong quá trình thực hiện thủ thuật ở dạ dày nếu cơ sở y tế không khử khuẩn theo đúng quy trình.
Bạn phát hiện có vi khuẩn HP trong dạ dày, tuy nhiên không cung cấp đầy đủ thông tin như tuổi, tiền căn gia đình có bị ung thư dạ dày... hay không nên bác sĩ không thể đưa ra nhận định chính xác. Bạn nên đi khám, tùy vào tình trạng, triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm máu, test hơi thở hay nội soi. Nếu nội soi ghi nhận HP gây viêm teo dạ dày, viêm loét dạ dày, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, tránh nguy cơ biến chứng.
BS.CKI Huỳnh Văn Trung
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |