Ngày 28/6, TS.BS Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng bệnh nhi được nội soi phát hiện viêm dạ dày dạng nốt mức độ trung bình đến nặng do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). "Tình trạng này đáng lưu ý", bác sĩ Bình nói, thêm rằng số lượng trên gần bằng tổng số bệnh nhi được nội soi hai năm qua của bệnh viện. Thường rất ít trẻ được chỉ định nội soi, trừ trường hợp xuất hiện các dấu hiệu bất thường, kéo dài dai dẳng.
Bác sĩ Bình giải thích phát hiện nhiều trẻ mắc bệnh dạ dày liên quan đến vi khuẩn HP có thể do ý thức của người dân tăng cao, nên khi trẻ có dấu hiệu bất thường đã được kiểm tra sớm. Hiện nội soi dạ dày cho trẻ em dễ thực hiện ở bệnh viện nên dễ tiếp cận kỹ thuật này hơn.
HP sống và phát triển ở dưới lớp chất nhầy dạ dày, gây bệnh ở niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn này có khả năng tiết ra các men và độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng, gây viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính hoặc mạn tính, viêm niêm mạc dạ dày, u lympho B lớp niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày.
Trẻ nhiễm vi khuẩn HP có triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài (khoảng một năm) kèm chán ăn, suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, triệu chứng không đặc trưng, thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên dễ bỏ qua.
Đơn cử bé Minh, 8 tuổi, được cha mẹ đưa đến khám với thể trạng gầy yếu, ăn uống kém gần một năm nay. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bé dương tính với HP, khả năng lây từ cha mẹ do cả hai đều nhiễm HP. Bác sĩ chỉ định nội soi ghi nhận dạ dày bé viêm nặng với nhiều nốt viêm.
Tương tự, An, 11 tuổi, ngụ Đồng Nai, đến khám do nhẹ cân, gầy yếu, ăn nhanh no, thường xuyên đau bụng trên, thỉnh thoảng nôn ói. Tưởng con biếng ăn, gia đình thay đổi chế độ ăn uống nhưng không cải thiện. Kết quả xét nghiệm nhanh HP và nội soi cho thấy bé An dương tính với HP và dạ dày có nhiều nốt viêm.
Hai bé được lấy mẫu sinh thiết trong quá trình nội soi. Mẫu sinh thiết sau đó được nuôi cấy làm kháng sinh đồ. Phác đồ điều trị căn cứ trên kết quả kháng sinh đồ trong hai tuần và độ tuổi cụ thể của bệnh nhi. Sau điều trị, hai bệnh nhi không còn triệu chứng đau bụng, nôn ói, sức khỏe cải thiện.
Theo bác sĩ Bình, HP ở trẻ em có khả năng tái phát khá cao, chưa kể có thể đề kháng kháng sinh làm giảm hiệu quả điều trị. Do đó, trẻ cần tuân thủ chỉ định và được theo dõi sát sao trong quá trình điều trị.
Vi khuẩn HP lây nhiễm từ người sang người qua nhiều con đường khác nhau như miệng - miệng do tiếp xúc với nước bọt hay dịch tiêu hóa của người mang vi khuẩn. Lây qua đường phân - miệng do thói quen sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Lây nhiễm HP qua dạ dày - miệng thường từ các thiết bị y tế như dụng cụ nội soi dạ dày, dụng cụ nha khoa không đảm bảo quy trình khử khuẩn.
Theo BS.CKI Lâm Bội Hy, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khoảng 70% người Việt nhiễm vi khuẩn HP. Trong đó, tỷ lệ trẻ bị viêm dạ dày do HP còn khá cao, thường ở giai đoạn đi nhà trẻ, tức khoảng 2-6 tuổi trẻ có nguy cơ nhiễm cao hơn. Ở lứa tuổi này, trẻ em chưa biết giữ vệ sinh khi ăn uống, thường ăn uống chung với người lớn dễ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mang vi khuẩn HP cũng gây ra các bệnh lý đường tiêu hóa.
Bác sĩ Bội Hy cho biết cha hoặc mẹ bị HP, con có nguy cơ lây nhiễm 30-50%. Trường hợp cha và mẹ bị nhiễm HP, tỷ lệ con bị lây nhiễm đến 70-80%. Ngoài ra, nguồn lây nhiễm còn từ bạn học, người thân khác trong gia đình do quá trình ăn uống chung hay kể cả trong cộng đồng ngoài xã hội.
Nếu trẻ nhiễm HP mà chưa có triệu chứng thì không cần điều trị, theo bác sĩ Bình. Người đã xuất hiện triệu chứng như viêm loét dạ dày cần tích cực điều trị để phòng ngừa biến chứng như viêm loét dạ dày dai dẳng, đau bụng, thiếu máu. Trường hợp nặng có thể xuất huyết tiêu hóa như nôn ói ra máu, tiêu phân đen hay thủng dạ dày - tá tràng. Nhiễm HP lâu ngày dễ chuyển sang viêm mạn tính dạ dày như viêm teo, chuyển sản ruột sớm, nguy cơ ung thư dạ dày cao về sau, là nguồn lây nhiễm cho những người xung quanh.
Vi khuẩn HP là yếu tố hàng đầu gây ra chứng viêm loét dạ dày - tá tràng. Bác sĩ Thanh Bình khuyến cáo phụ huynh phòng ngừa, tập cho trẻ thói quen sử dụng đồ dùng cá nhân riêng, ăn chín, uống sôi, đầy đủ dinh dưỡng. Khi trẻ có triệu chứng nghi ngờ đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn ói, mệt mỏi kéo dài, phụ huynh cần cho con đến cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán bệnh.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |