Chị Thu, ở Hà Nội, 10 năm vô sinh thứ phát do trì hoãn sinh con và dự trữ buồng trứng suy giảm. Thông thường, phụ nữ có chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) nhỏ hơn 1,0 ng/ml sẽ khó có thể sinh con bằng noãn tự thân. Với chỉ số AMH chỉ còn 0,4 ng/ml, chị Thu đứng trước nguy cơ phải xin noãn nếu muốn sinh con. Cơ hội có được noãn tự thân để điều trị hiếm muộn rất thấp, chỉ khoảng 5%.
Vợ chồng chị Thu đã đi nhiều địa chỉ hỗ trợ sinh sản nhưng đều bị từ chối, khuyên đi xin noãn. Có lúc chị đã buông xuôi nhưng chồng lại động viên: "Thôi cố em ạ, anh cũng không cần con của riêng anh đâu".
Chị Thu tới khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) vào năm 2021, và được Phó giáo sư, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hoàng, Giám đốc IVFTA, trực tiếp thăm khám và tư vấn. "Còn nước còn tát, đừng mất hy vọng", được bác sĩ Hoàng động viên, chị Thu phấn chấn trở lại với hành trình tìm con.
PGS Lê Hoàng tư vấn cho chị phác đồ cá thể hóa kích thích nhẹ buồng trứng và "gom" trứng theo từng chu kỳ để có được số nang noãn tốt nhất trước khi tạo phôi. Lớn tuổi, không có nang trội, chị Thu còn mắc hội chứng nang trống (nang không có noãn). Sau 2 lần kích trứng đầu tiên không có kết quả, ở 2 lần tiếp theo chị mới "vét" được 2 noãn. May mắn là 2 noãn của chị tạo được thành 2 phôi tốt.
Tuy nhiên, khó khăn chưa hết, sau khi có phôi, trở ngại tiếp theo chị Thu gặp phải là niêm mạc mỏng. Sau khi được dùng thuốc, một tháng sau chị đã có thể chuyển phôi. Điều diệu kỳ đã xảy ra, lúc nhận kết quả beta chị đã ôm lấy chồng mà khóc. Hành trình thai nghén sau đó dù vất vả và nhiều gian nan, nhưng cuối cùng chị cũng đã được hưởng hạnh phúc làm mẹ lần hai với đứa con của chính mình sau hơn một thập kỷ tìm kiếm.

PGS.TS.BS Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội (ngoài cùng bên phải) cùng cộng sự thực hiện thủ thuật chọc hút noãn cho bệnh nhân. Ảnh: IVFTA
Một trường hợp khác là chị Sa Hoài (43 tuổi, TP HCM) đã có cuộc chạy đua với thời gian để "vét trứng" ngay khi đang là F0. Sau 6 ngày kích trứng, chị Hoài phát hiện bị Covid-19. Vốn có tiền sử 2 lần tìm con thất bại, AMH "chạm đáy" ở mức 0,27 ng/ml, từng có chỉ định xin trứng, BS.CKII Vũ Nhật Khang - Trung tâm IVFTA-HCM, hiểu được khát khao của bệnh nhân cũng như biết rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng của chị.
Sau cuộc hội chẩn khẩn trương, bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm IVFTA-HCM, quyết định vẫn tiến hành chọc trứng cho nữ bệnh nhân F0 đang mong con vì "10 năm mong con, tuổi đã lớn, AMH cực thấp, thời gian không chờ đợi bệnh nhân nữa".
Sáng ngày 31/10, chị Hoài được chọc hút trứng ở phòng thủ thuật cách ly. Mọi công tác phòng bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn được đảm bảo tối đa ở mọi công đoạn: từ lúc tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện gây mê, chọc trứng, bệnh nhân hồi sức đến khi đủ điều kiện ra về.
Thách thức lớn nhất của ekip là bệnh nhân rất ít nang noãn, nhưng phải dò tìm "noãn vàng" trong điều kiện khó khăn vì khoác trên mình bộ bảo hộ cồng kềnh và vẫn đòi hỏi sự tập trung cao độ, thao tác chính xác. Với tay nghề vững vàng, nhiều năm kinh nghiệm, bác sĩ Khang đã thu được trọn vẹn 2 nang trội hiếm hoi và quý giá của chị Hoài. Bác sĩ kỳ vọng sau khi kích trứng nhẹ thêm 1, 2 chu kỳ nữa chị Hoài có thể thu thêm 3-4 noãn để làm IVF tốt hơn.
"Nhiều thứ tiền có thể mua được, nhưng trứng thì không. Vì vậy chúng tôi gọi đây là những cuộc 'vét trứng' để thu được noãn, dành những 'tấm vé' làm mẹ lượt cuối cho bệnh nhân", bác sĩ Khang chia sẻ.
Hái "quả hiếm" từ phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng
Theo thống kê của Hệ thống BVĐK Tâm Anh, có khoảng 40% các trường hợp vô sinh, hiếm muộn có liên quan đến buồng trứng của người phụ nữ (dự trữ buồng trứng thấp, buồng trứng đa nang, đáp ứng kích thích buồng trứng kém, suy buồng trứng...). Với các trường hợp này, không chỉ rất khó thụ thai tự nhiên, mà còn rất khó tìm được nang noãn để tạo phôi khi IVF.

Hệ thống phòng Lab hiện đại tại IVFTA. Ảnh: IVFTA
Bác sĩ Phạm Thị Anh, IVFTA, cho biết trước đây thường sử dụng các phác đồ thông thường, thậm chí dùng phác đồ kích thích liều cao với hy vọng sẽ có được nang noãn cho bệnh nhân AMH thấp, nhưng không thu được kết quả như mong đợi. Không những thế, người mẹ còn dễ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc kích trứng như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn...
Vì vậy, việc tìm ra phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng được coi là giải pháp mới, mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân này. Phác đồ này có những ưu điểm vượt trội giúp cá thể hóa điều trị, thân thiện với người bệnh, tiết kiệm chi phí...
PGS Lê Hoàng cho biết đã có hàng nghìn phụ nữ có dự trữ buồng trứng AMH thấp, suy buồng trứng áp dụng phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và hiện thực hóa được giấc mơ làm mẹ trong nhiều năm, đón được con yêu khỏe mạnh về nhà.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM, đang áp dụng các biện pháp điều trị toàn diện bệnh vô sinh nữ với phác đồ thân thiện, tăng tỷ lệ đậu thai. Thông tin sẽ được chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến "Điều trị toàn diện vô sinh nữ, tăng tỷ lệ đậu thai" vào lúc 20h ngày 17/11 phát trên fanpage báo VnExpress và fanpage BVĐK Tâm Anh. Chương trình có sự tham gia của BS CKI Châu Hoàng Phương Thảo - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM; ThS.BS Phạm Thị Bảo Yến và BS Phạm Thị Mỹ Tú, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM. Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây để được chuyên gia giải đáp trực tiếp trong chương trình. |
Thanh Ba