Xin hỏi bác sĩ độ tuổi này thực hiện liệu có quá sớm không ạ? (Thùy Lan, TP HCM)
Trả lời:
Trữ đông trứng dự phòng, hay còn gọi là trữ noãn, hoặc trữ trứng xã hội đang được xem như một hình thức "bảo hiểm cho khả năng sinh sản". Phụ nữ chủ động đi trữ đông trứng giống như chủ động mua bảo hiểm sinh sản, chưa chắc người mua sẽ cần sử dụng, nhưng sẽ rất cần thiết khi có rủi ro sức khỏe xảy ra.
Trữ đông trứng đã áp dụng khá nhiều cho đối tượng người bệnh điều trị hiếm muộn, bệnh nhân mắc bệnh lý cần điều trị thuốc và hóa chất ảnh hưởng đến buồng trứng. Ngoài ra, đối tượng phụ nữ trẻ chưa xác định thời gian lập gia đình cũng có nhu cầu trữ đông trứng để sử dụng về sau có thể sinh con "chính chủ".
Hiện nay, độ tuổi có con và sinh sản tốt nhất của phụ nữ là từ 20 - 30. Sau tuổi 25, buồng trứng bắt đầu suy giảm số lượng và chất lượng, đến tuổi 30 thì khả năng sinh sản bắt đầu giảm dần. Phụ nữ sau 35 tuổi khả năng sinh sản giảm nhanh, khó có con tự nhiên. Nhờ phương pháp trữ đông trứng, đồng hồ sinh học trứng được trữ lạnh sẽ dừng lại ở thời điểm trữ đông, điều này rất có ý nghĩa cho những phụ nữ có dự định mang thai về sau nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng trứng tương đương với giai đoạn trẻ tuổi. Do đó, bạn nên trữ trứng trước có thể tiếp tục tập trung vào sự nghiệp của mình mà không lo tước đi cơ hội có con về sau.
Phụ nữ chủ động đi trữ đông trứng tốt nhất nên thực hiện trước độ tuổi 30, để thu được trứng tốt nhất, chất lượng cao nhất, đề phòng dị tật. Nếu chưa đủ điều kiện thực hiện, phụ nữ dưới 35 tuổi chưa lập gia đình nên trữ trứng ngay.Vì càng lớn tuổi, lượng trứng càng giảm, khi đó có thể phải gom trứng nhiều chu kỳ mới đủ số lượng lưu trữ, chi phí sẽ cao hơn so với việc chủ động trữ trứng sớm trước tuổi 30. Khi đã có tuổi, phụ nữ vẫn có thể sử dụng trứng đã được lưu trữ với chất lượng tốt khi còn trẻ tuổi để rã đông kết hợp với tinh trùng người chồng tạo thành phôi để chuyển vào tử cung.
Hiện nay, quy trình trữ trứng vô cùng đơn giản, chị em chỉ cần thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Hỗ trợ sinh sản và thông báo với bác sĩ nhu cầu trữ đông trứng. Sau khi tư vấn, bác sĩ sẽ đặt hẹn để chỉ định các xét nghiệm cần thiết như: xét nghiệm máu, siêu âm buồng trứng, xét nghiệm HIV... và hẹn ngày bắt đầu sử dụng kích thích buồng trứng.
Bình thường mỗi chu kỳ chỉ có một trứng lớn và rụng, nếu không áp dụng phác đồ kích trứng, bác sĩ chỉ hút được một trứng để trữ đông. Nếu áp dụng kích trứng, sẽ kích thích các trứng khác lớn đồng đều, hút được nhiều trứng, trung bình 8-15 trứng. Quá trình tiêm thuốc kích thích buồng trứng kéo dài khoảng một tuần, sau đó chị em sẽ được gây mê và chọc hút trứng. Quá trình hút trứng chỉ diễn ra trong 10 phút, sau chọc hút trứng, phụ nữ chỉ cần nghỉ ngơi thư giãn 30 phút giãn, sau đó có thể ra về, quay lại làm việc bình thường mà không phải nghỉ ngơi kéo dài. Trứng sau khi được chọc hút sẽ thông báo cho chị em số lượng và mang đi trữ đông ngay ở nhiệt độ -196 độ C.
Chị em chưa lập gia đình nhưng không muốn trữ trứng cũng cần đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra chỉ số dự trữ buồng trứng qua siêu âm, xét nghiệm AMH. Nếu phát hiện trường hợp suy giảm buồng trứng sớm, bác sĩ sẽ đề xuất người bệnh trữ trứng để bảo tồn chức năng sinh sản.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM