Ông Cao Nguơn, 73 tuổi, quê Quảng Ngãi, phát hiện bị đau lưng cách đây khoảng 10 năm. Nghĩ nguyên nhân gây đau là do công việc làm nông nặng nhọc, ông chỉ tự thuốc giảm đau uống nhưng tình trạng không thuyên giảm suốt nhiều năm. Ba tháng trước, ông cảm thấy lưng đau nhiều hơn, kèm theo tê chân trái. Gần đây, ông không chỉ bị đau lưng nhiều mà bắt đầu có dấu hiệu không thể đi lại, đi vài bước là chân khuỵu xuống, phải có người dìu đỡ.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám, bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thanh Vương, Khoa Thần kinh cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình cho biết ông Nguơn bị vẹo cột sống L2-L3 và L3-L4 rất nghiêm trọng. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy đốt sống tầng L5-S1 bị trượt, khuyết eo L5. Người bệnh còn bị thoát vị đĩa đệm dài một đoạn dài từ L1 tới S1, hẹp ngách rễ trái tầng L3-L4, L4-L5. Kết quả điện cơ cho thấy tổn thương nặng rễ thần kinh L4, L5, S1 bên trái, phù hợp với triệu chứng và hình ảnh trên MRI.
Hướng giải quyết cho trường hợp này là phẫu thuật nắn trượt, chỉnh trục cột sống. Bác sĩ Thanh Vương cho hay do cấu trúc cột sống bệnh nhân bị biến dạng nặng nên phải mổ mở để bộc lộ phẫu trường rõ hơn. Bác sĩ Vương tiếp cận cột sống của người bệnh bằng đường mổ dài khoảng 20 cm và quan sát vị trí các tầng bị sụp gây hẹp các ngách bên. Bác sĩ thận trọng bắt rễ thần kinh, cắt mặt khớp, dò từng chân cung để kiểm tra, tránh làm tổn thương thần kinh của người bệnh. Khi xác định an toàn, bác sĩ dùng dao siêu âm để cắt xương. Nhờ sử dụng độ rung sóng siêu âm, dao có khả năng cầm máu xương, không làm tổn thương mô mềm hay dây chằng, hạn chế tổn thương rễ thần kinh. Bác sĩ bắt vít xiên cuống cung vào xương, đặt 1 thanh dọc để nắn chỉnh cột sống và cố định vít làm rộng lỗ ly hợp trái, giải phóng hoàn toàn các rễ thần kinh ở các rễ L4, L5, S1. Người bệnh cũng đồng thời được thay 2 đĩa đệm L4-L5 và L5-S1 để tạo không gian cho các rễ thần kinh. Ca mổ hoàn tất sau 2 tiếng 45 phút, sớm hơn dự kiến.
Trong ngày đầu tiên sau mổ, bác sĩ hướng dẫn người bệnh vận động và xoay trở tại giường. Vào ngày thứ hai, người bệnh được tập ngồi, đi xung quanh giường dưới sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Trong ngày, người bệnh có thể tự phục vụ một số nhu cầu cá nhân với sự trợ giúp của người thân. Bắt đầu từ ngày thứ ba, người bệnh đã tự mang đai, xuống giường đi những bước đầu tiên và đến ngày thứ 5 đi lại tốt, được phép xuất viện.
"Ngay khi hồi tỉnh chân trái tôi đã hết bị tê, 2 chân vận động tốt. Cảm giác khỏe khoắn, dễ chịu. Vết mổ vẫn còn đau nhẹ, nhưng thoát được cảnh ngồi xe lăn tôi rất vui mừng", bệnh nhân Nguơn chia sẻ.
Bác sĩ Thanh Vương cho biết, thoái hóa cột sống phổ biến ở người lớn tuổi do yếu tố tuổi tác, thói quen sinh hoạt, chấn thương trong quá trình lao động. Tuổi tác tác động đến cấu trúc xương, mặt khớp, dây chằng yếu làm biến dạng cột sống khiến cho tình trạng chèn ép rễ thần kinh tăng nặng theo từng ngày.
"Chèn ép do vẹo, trượt cột sống ở người cao tuổi nên mổ càng sớm càng tốt, mang lại sự hồi phục chức năng thần kinh, tránh cho người bệnh nguy cơ tàn phế", bác sĩ Thanh Vương lưu ý.
Hân Thái