Nghiên cứu Giấc ngủ và sức khỏe tinh thần đăng trên trường Y Harvard cuối tháng 8/2021, cho biết, những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mất ngủ. Trên thực tế, các vấn đề về giấc ngủ ảnh hưởng 50-80% bệnh nhân đang điều trị sức khỏe tâm thần.
Chất lượng giấc ngủ tốt hay không đều có mối liên hệ chặt chẽ với tinh thần. Ngủ không đủ giấc làm cản trở khả năng hoạt động trong cuộc sống, tác động đến sức khỏe thể chất. Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tăng động giảm chú ý có nhiều khả năng bị rối loạn giấc ngủ.
Mối quan hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần khá phức tạp. Tình trạng sức khỏe tâm thần không chỉ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ và ngược lại.
Tăng động giảm chú ý
Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ hoặc khó thức dậy và buồn ngủ vào ban ngày.
Các chuyên gia cũng cho rằng các vấn đề về giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ phát triển của các triệu chứng có thể giống như triệu chứng của tăng động giảm chú ý. Các biện pháp can thiệp vào giấc ngủ có thể cải thiện mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tăng động giảm chú ý và chất lượng cuộc sống nói chung.
Rối loạn lo âu
Các vấn đề về giấc ngủ là yếu tố nguy cơ phát triển chứng rối loạn lo âu. Nghiên cứu đăng trên J Am Acad Child Adolesc Psychiatry năm 2014 cho thấy, các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như ngủ không yên và khó đi vào giấc ngủ, có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần phổ biến, bao gồm cả rối loạn lo âu.
Rối loạn phổ tự kỷ
Trẻ em và người lớn mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thường gặp khó khăn khi ngủ. Các vấn đề về giấc ngủ làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn này. Một số bất thường di truyền có thể ảnh hưởng đến hệ thống giấc ngủ trong não, góp phần gây ra các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ.
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn giấc ngủ rất phổ biến ở những người bị rối loạn lưỡng cực. Những vấn đề như vậy có thể bao gồm mất ngủ, chu kỳ ngủ và thức không đều, gặp ác mộng.
Trầm cảm
Mất ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác là những triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm. Nghiên cứu của Mỹ năm 2011 chỉ ra rằng thiếu ngủ thực sự gây ra trầm cảm. Những người bị mất ngủ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp đôi so với những người không gặp vấn đề này.
Rối loạn tâm lý theo mùa
Rối loạn cảm xúc theo mùa có thể liên quan đến chứng mất ngủ. Mặc dù nguyên nhân chính xác chưa được làm rõ nhưng rối loạn cảm xúc theo mùa được cho là có liên quan đến những thay đổi đồng hồ sinh học. Ít ánh sáng mặt trời hơn vào mùa đông có thể thay đổi chu kỳ thức và ngủ của cơ thể.
Tâm thần phân liệt
Giấc ngủ bị gián đoạn dường như có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh tâm thần phân liệt. Nó cũng có thể là một dấu hiệu ban đầu trước khi bệnh khởi phát, thường gặp nhất đối với những người bị tâm thần phân liệt. Các nghiên cứu báo cáo có đến 80% những người bị tâm thần phân liệt cho biết họ đã trải qua các triệu chứng mất ngủ.
Những người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần nên hạn chế ngủ trưa trong ngày, thiết lập thói quen hàng đêm, tránh caffeine hoặc chất kích thích quá gần giờ đi ngủ, tắt thiết bị trước khi đi ngủ, kiểm soát liệu pháp nhận thức hành vi để có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)