Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ngoài việc làm tăng chỉ số khối cơ thể, uống rượu, bia khiến nhịp thở chậm, hơi thở nông hơn, giảm khả năng thở.
Sau khi uống, các cơ vùng cổ họng giãn ra so với mức bình thường, chùng xuống làm cho đường dẫn khí hẹp thêm, cản trở lưu thông dòng khí ra vào hầu họng. Điều này có thể gây rung các mô mềm khi có luồng khí đi qua, dẫn đến ngáy ngủ.
Bác sĩ Lan cho biết lạm dụng rượu ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc viêm phổi. Uống rượu trong thời gian dài góp phần gây suy dinh dưỡng, phá vỡ hàng rào bảo vệ tại chỗ trong đường hô hấp. Nó làm thay đổi hệ vi khuẩn hầu họng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh vật gram âm trong khoang miệng xâm nhập.
Rượu làm giảm chức năng thần kinh, ức chế phản xạ ho và nôn. Khả năng đào thải chất tiết của đường hô hấp và miễn dịch bẩm sinh cũng suy yếu khi uống rượu thường xuyên.
Bằng cách làm suy yếu cơ chế bảo vệ của cơ thể, rượu làm tăng tính nhạy cảm với nhiều loại mầm bệnh như gram dương, gram âm, hiếu khí, kỵ khí, mycobacteria, nấm và virus. Sự kết hợp giữa mầm bệnh và khả năng phòng vệ của cơ thể suy yếu khiến viêm phổi nặng thêm ở bệnh nhân lạm dụng rượu.
Miền Bắc chuẩn bị vào mùa lạnh, nhiều người sử dụng rượu hay các đồ uống có cồn để làm ấm cơ thể. Theo bác sĩ Ngọc Lan, khi uống rượu, chất ethanol (hay ancol etylic) trong rượu làm giãn mạch ngoại vi, tăng tưới máu đến da và cơ, khiến cơ thể nóng hơn nhưng không kéo dài lâu. Ngay sau đó nhiệt lượng từ lượng máu đó thoát ra khỏi cơ thể và làm giảm thân nhiệt. Cảm giác này rõ ràng hơn trong thời tiết lạnh. Khi uống rượu, hệ thần kinh còn bị kích thích gây cảm giác hưng phấn có thể quên đi cảm giác lạnh.
Sau khi uống rượu, nếu đột ngột tiếp xúc với thời tiết lạnh có thể khiến mạch máu nhanh chóng co lại, dẫn đến cơn tăng huyết áp, tăng nguy cơ xuất hiện các đột quỵ não.
Bác sĩ Ngọc Lan khuyến cáo không nên uống bia, rượu khi trời lạnh hoặc vào những thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày như buổi tối. Nếu sử dụng đồ uống này, nên giữ ấm cơ thể, tránh để gió lùa hoặc nhiễm lạnh đột ngột. Khi uống, cần bù năng lượng cho cơ thể bằng cách ăn thêm tinh bột hoặc uống nước trái cây, nước canh, nước cháo loãng... Sau đó, không ra ngoài trời lạnh, không tắm nước lạnh đề phòng đột quỵ.
Hoài Phạm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |