Chuyên viên dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết uống lượng lớn cà phê khiến cơ thể mất nước, gây khô họng, ho do caffeine có tác dụng lợi tiểu. Một số người bị dị ứng với đồ uống có thể gặp triệu chứng như tăng tiết chất nhầy cổ họng, tiêu chảy, buồn nôn...
Caffein trong cà phê có tính axit nên tiêu thụ lượng lớn dễ kích thích dạ dày tăng tiết axit dịch vị, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 25% trường hợp ho mạn tính (kéo dài trên 8 tuần).
Tình trạng này xảy ra theo hai cơ chế gồm axit trào ngược vào thực quản khiến cơ thể phản xạ ho để ngăn chặn axit dạ dày đi vào phổi; hoặc dịch trào ngược di chuyển lên trên và đi vào đường thở, kích thích ho để đẩy dị vật ra ngoài. Trào ngược thanh quản gây kích ứng phổi, cổ họng, khiến người bệnh hô hấp thở khò khè, ho và tiết nhầy. Khi đang ho, cảm lạnh, cảm cúm, người bệnh không nên sử dụng đồ uống này.
Ngoài cung cấp năng lượng, giúp cơ thể tỉnh táo, một cốc cà phê vào buổi sáng có ích cho lá phổi, giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp mạn tính nhờ hàm lượng chất chống viêm, chất chống oxy hóa cao. Ngoài ra, caffeine hoạt động như một chất giãn phế quản, có lợi cho người hen suyễn. Tuy nhiên, cà phê chỉ là thức uống hỗ trợ, không thể thay thế thuốc điều trị bệnh.
Về liều lượng cà phê, theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), người trưởng thành khỏe mạnh có thể tiêu thụ tới 400 miligam caffeine mỗi ngày, tương đương với 4-5 tách. Liều lượng này thường không gây ra tác động tiêu cực cho sức khỏe. Lượng caffein an toàn ở phụ nữ mang thai và cho con bú không vượt quá 200 mg mỗi ngày, thanh thiếu niên là dưới 100 mg một ngày.
Hoài Phạm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |