Trả lời:
Cà phê là thức uống tốt, đem lại lợi ích cho sức khỏe và được nhiều người lựa chọn. Nhâm nhi ly cà phê buổi sáng không chỉ giúp tinh thần vui vẻ, sảng khoái, mà còn bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
Thành phần chính của cà phê là caffein có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Caffeine vào cơ thể tạo ra paraxanthine có khả năng làm chậm quá trình xơ hóa. Uống thức uống này thường xuyên hỗ trợ tăng cường sức khỏe ruột, tiêu hóa bằng cách tác động lên quá trình sản xuất axit của dạ dày, bài tiết mật và tuyến tụy cũng như khả năng vận động của ruột già.
Nhờ vậy, cà phê không chỉ tăng cường chủng vi khuẩn có lợi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột tốt hơn mà còn hỗ trợ chống lại ung thư gan, ung thư đại tràng, gan nhiễm mỡ không do rượu bia, xơ gan do rượu bia, viêm gan C, B.
Một nghiên cứu của Phó giáo sư nội khoa Elliot Tapper, hợp tác với các chuyên gia gan từ Trường Y Harvard (Mỹ) kết luận uống 1-2 ly cà phê nguyên chất mỗi ngày giảm nguy cơ mắc bệnh gan.
Cà phê tốt cho sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa, nếu sử dụng đúng cách, điều độ và đảm bảo chất lượng. Bạn nên chọn cà phê sạch, không bị nấm mốc, không chứa các chất có hại như hóa chất, phẩm màu công nghiệp, kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì, asen, đường hóa học cấm dùng trong thực phẩm như sodium cyclamate, chất tạo bột chỉ dùng trong công nghiệp, chất tạo bọt...
Không uống loại đậm đặc và quá ba lần trong ngày vì không tốt cho sức khỏe. Uống quá nhiều gây lo âu, bồn chồn, đau đầu, tim đập nhanh, dẫn đến mất ngủ khó kiểm soát. Chỉ nên dùng cà phê pha với liều lượng vừa phải, không nên lạm dụng, thời điểm thích hợp là sáng, trưa (trong và sau bữa ăn), hạn chế chiều tối.
Bạn nên dùng cà phê nguyên chất, không đường, sữa để nhận được lợi ích tốt cho sức khỏe. Cà phê nguyên chất chứa hàm lượng kahweol và cafestol cao nhất. Hai thành phần này có tác dụng bảo vệ và chống lại các tác nhân gây bệnh gan, góp phần phòng ngừa ung thư gan.
Thói quen uống cà phê với sữa và đường giúp tăng hương vị thơm ngon, tuy nhiên thêm quá nhiều thành phần này có thể hại sức khỏe. Đường, sữa không chỉ kích thích các tế bào tiết insulin trong tụy, mà glucose cao trong đường làm tăng nguy cơ béo phì và đái tháo đường. Do vậy, bạn chỉ nên thêm một lượng đường và sữa vừa phải, nhưng loại nguyên chất là tốt nhất.
Không nên uống cà phê khi đang dùng thuốc hoặc đã uống rượu bia vì dễ làm ức chế thần kinh, dạ dày kích thích với cường độ mạnh, khiến tim hoạt động mệt hơn. Caffeine có thể tương tác với một số thành phần của thuốc làm mất tác dụng của thuốc.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người bị hội chứng ruột kích thích, rối loạn giấc ngủ, trẻ em dưới 12 tuổi không nên uống cà phê.
Trường hợp của bạn uống cà phê mỗi ngày là tốt, nếu không thuộc nhóm khuyến cáo trên.
BS.CKI Huỳnh Văn Trung
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |