Ung thư xoang thường được chẩn đoán ở người lớn tuổi, từ 55 tuổi trở lên, có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên khuôn mặt như:
Khoang mũi: Khu vực phía sau mũi.
Các xoang cạnh mũi: Các vùng chứa đầy không khí xung quanh khoang mũi.
Xoang hàm trên: Vùng chứa đầy không khí của xương gò má ở hai bên mũi tạo nên một phần của xoang cạnh mũi.
Xoang sàng: Một phần khác của hệ thống xoang cạnh mũi nằm dọc mũi trên và giữa hai mắt.
Vòm họng: Điểm cao nhất của họng trên hoặc họng nối với khoang mũi, phía sau mũi và gần đáy hộp sọ. U lympho vòm họng có thể xảy ra trong đường dẫn khí hoặc trong các mô bạch huyết xung quanh.
Phân loại
Ung thư xoang được phân loại theo loại tế bào liên quan. Có nhiều loại ung thư xoang mũi khác nhau, bao gồm:
Ung thư biểu mô tế bào vảy là loại ung thư xoang phổ biến nhất, bắt nguồn từ các tế bào lớp bề mặt của đầu hoặc cổ. Nếu ung thư chỉ giới hạn ở lớp tế bào phẳng trên cùng được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Nếu những tế bào này tiếp tục nhân lên, chúng có thể xâm lấn sâu hơn vào các mô và trở thành ung thư biểu mô tế bào vảy xâm lấn.
Ung thư biểu mô tế bào nang Adeno ít gặp hơn, xảy ra ở các tuyến của xoang cạnh mũi.
Ung thư biểu mô tế bào Acinic phát triển ở tuyến nước bọt, nhất là ở tuyến mang tai, nằm ở má bao quanh xương hàm phía trước tai.
U nguyên bào sợi thần kinh còn được gọi là u nguyên bào thần kinh khứu giác, u nguyên bào sợi thần kinh là khối u ác tính rất ít gặp phát sinh trong khoang mũi.
Triệu chứng
Sự phát triển của ung thư xoang nhỏ thường không gây ra triệu chứng, có thể phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe do các nguyên nhân khác.
Khi khối u phát triển, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nghẹt mũi và chảy nước mũi sau. Triệu chứng có thể giống cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm xoang nên thường bị bỏ qua.
Ở giai đoạn muộn, các dấu hiệu của ung thư xoang thường chỉ xảy ra ở một bên bao gồm:
- Nghẹt mũi một bên và có xu hướng nặng hơn.
- Đau trên hoặc dưới mắt.
- Chảy máu cam thường xuyên.
- Chảy nước mũi sau.
- Thay đổi khứu giác.
- Tê hoặc đau ở các bộ phận trên khuôn mặt.
- Một cục hoặc khối trên mặt, vòm miệng (trên miệng) hoặc bên trong mũi.
- Chảy nước mắt liên tục.
- Mất hoặc thay đổi thị lực.
- Đau hoặc áp lực ở một bên tai.
- Đau đầu.
- Khó mở miệng.
- Hạch bạch huyết ở cổ sưng to (nhìn thấy hoặc sờ thấy như cục u dưới da).
Nguyên nhân
Chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ung thư xoang. Một số yếu tố môi trường, nhất là tiếp xúc nhiều với một số hóa chất công nghiệp, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các tác nhân ung thư có thể bao gồm bụi gỗ, hợp chất niken (kim loại dùng làm thép không gỉ), radium 226 và 228 (kim loại phóng xạ).
Người nhiễm papillomavirus (HPV), hút thuốc và hít khói thuốc thường xuyên cũng có khả năng cao ung thư xoang.
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ hỏi người bệnh về bệnh sử, các bất thường đang gặp phải cũng như các yếu tố rủi ro. Nếu nghi ngờ ung thư xoang, người bệnh được chỉ định nội soi để quan sát mũi và đường mũi. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như chụp X-quang, chụp CT, chụp PET, chụp cắt lớp xương và chụp MRI.
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn ung thư được chẩn đoán, mức độ lan rộng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Thông thường, bác sĩ kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị để tăng hiệu quả điều trị.
Phẫu thuật nội soi hoặc xâm lấn tối thiểu qua mũi là phương pháp cắt bỏ khối u phổ biến dành cho những bệnh nhân đủ điều kiện.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |